Tên khoa học:
Aleurolobus barodensis Maskell
Triệu chứng gây hại và đặc điểm hình thái các pha phát dục của bọ phấn trắng Aleurolobus barodensis Maskell
– Đặc điểm sinh học, sinh thái: Vòng đời từ 32 đến 44 ngày. Lá non chưa hoàn chỉnh (chưa mở) là nơi con cái ưa thích để đẻ trứng. Thời gian pha trứng từ 8 đến 31 ngày. Mỗi con cái có thể đẻ 80 trứng, số lượng trứng thay đổi theo mùa. Ấu trùng từ 1 đến 3 tuổi có thể di chuyển và gây hại trong phạm vi ngắn; đến tuổi thứ 4 thường được gọi là nhộng. Khi ấu trùng phát triển, chúng phủ một lớp bọc bằng sáp trắng giúp bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài, nhất là thuốc trừ sâu, đây là đặc điểm riêng biệt của bọ phấn trắng ở các pha phát dục, trừ pha trứng.
Bọ phấn trắng Aleurolobus barodensis Maskell
– Triệu chứng gây hại: Ấu trùng bọ phấn trắng chích hút nhựa của lá mía dẫn đến lá bị chuyển vàng và hồng nhạt, cuối cùng làm khô cháy lá. Các ấu trùng bài tiết lượng đường lớn trong phân tích tụ trên lá, đây là nguyên nhân làm xuất hiện nấm muội đen tạo các vết đen trên lá, làm ảnh hưởng đến quang hợp của cây. Bọ phấn trắng gây hại nhiều trên những ruộng mía lưu gốc năm thứ 2 và 3, đặc biệt là trong khu vực ngập nước, nghèo hàm lượng đạm. Điều kiện thích hợp để mật độ bọ phấn trắng gây cháy là thiếu đạm, ngập úng (độ ẩm cao và nhiệt độ thuận lợi cho sự phát triển của dịch hại), mưa lớn, mật độ cao và độ kiềm của đất lớn. Bọ phấn trắng gây hại quanh năm nhưng nặng nhất từ tháng 8 đến tháng 11.
Biện pháp phòng trừ bọ phấn trắng Aleurolobus barodensis Maskell
+ Có thể nói đây là một dịch hại đặc biệt nghiêm trọng cho cây mía gốc, nhưng nó cũng tấn công các cây trồng khác trong vùng thấp trũng và đọng nước. Vì vậy, để phòng trừ có hiệu quả, cần chú trọng biện pháp canh tác trồng mía ở mật độ thích hợp, tránh điều kiện cho bọ phấn trắng phát sinh. Tránh để mía lưu gốc ở những vùng đã bị nhiễm bọ phấn trắng.
+ Bóc hay cắt lá bị hại, đem chôn hoặc đốt để tiêu diệt nguồn gây hại. Thực hiện quy trình bóc lá làm thông thoáng ruộng mía góp phần hạn chế sự phát triển của bọ phấn trắng. Hạn chế sử dụng các giống mía có bản lá to và dài như R 570 và R 579. Không để ruộng mía bị úng nước, thoát nước khi trời có mưa to.
+ Bón phân cân đối, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là phân đạm. Sử dụng một số thiên địch ăn thịt và ký sinh để phòng trừ bọ phấn trắng như: bọ rùa, nhện đồng thời sử dụng chế phẩm vi sinh như: nấm bột trắng Beauveria bassiana hoặc nấm Paecilomyces fumosoroseus tấn công trên ấu trùng và trưởng thành.
+ Việc kiểm soát bọ phấn trắng mía bằng thuốc hóa học là khó khăn và phức tạp vì chúng có lớp sáp bảo vệ nên nhanh chóng kháng thuốc trừ sâu. Đồng thời biện pháp này cũng khó khăn vì việc phun thuốc trên cây mía đòi hỏi dụng cụ và bảo hộ lao động cao. Khi cần thiết có thể sử dụng các thuốc trừ sâu có tính nội hấp và lưu dẫn mạnh như hoạt chất Dinotefuran, Imidacloprid và Thiamethoxam. Khi phun phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.
Xin lưu ý là giống mía R 579 rất mẫn cảm với bọ phấn trắng và điều kiện thời tiết mưa nhiều, do đó về lâu dài nên có kế hoạch thay thế bằng những giống khác có tính kháng bọ phấn trắng và phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương.
Nguồn: Sổ tay QL dịch hại tổng hợp trên cây mía – CTy CP đường Biên Hòa