Rệp bông trắng hại mía


Tên khoa học:
Ceratovacuna lanigera

Đặc điểm hình thái và gây hại của rệp bông trắng Ceratovacuna lanigera

– Rầy bu trắng mặt dưới lá mía thật ra là con rệp bông trắng có tên khoa học là Ceratovacuna lanigera là một loài dịch hại nguy hiểm không những đối với sinh trưởng và phát triển của cây mía mà còn có ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng đường.

rệp bông trắng Ceratovacuna lanigera

Rệp bông trắng Ceratovacuna lanigera

– Có hai dạng rệp có cánh và không cánh, rệp có cánh tuy chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong quần thể rệp nhưng có tác hại không kém rệp không cánh vì có thể di chuyển và lây lan từ ruộng này sang ruộng khác, từ vụ trước đến vụ sau. Rệp không cánh tuy ít di động nhưng tuổi thọ dài và đẻ rất sai, một đời rệp trưởng thành không cánh có thể đẻ đến hàng trăm con rệp con. Sở dĩ gọi là rệp bông trắng vì rệp trưởng thành lẫn rệp non ở phần ngực và bụng có phủ một lớp sáp như bông trắng càng lớn càng dầy hơn lên…

– Ảnh hưởng của loại rệp này lên năng suất và chất lượng mía rõ nhất là khi chúng phát sinh thành dịch, trong điều kiện nóng ấm, ẩm độ cao, cây mía đang sinh trưởng mạnh và trong quá trình tích lũy đường đặc biệt là trên những ruộng mía um tùm thiếu ánh sáng. Cả mấy đời rệp cùng sống tập trung ở lưng lá mía, dọc theo gân lá để chích hút dịch cây, trực tiếp ảnh hưởng đến sinh trưởng của mía, mặt khác, chất bài tiết của rệp là môi trường tốt cho bệnh muội đen phát triển trên lá và thân mía ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây. Kết quả là cây sinh trưởng còi cọc, giảm năng suất và chữ đường, nếu bị hại nặng thì ngọn có thể mất khả năng nảy mầm, gốc thì không nảy chồi được, ảnh hưởng lớn đến mật số của vụ mía lưu gốc. Khi thời tiết trở nên phù hợp hơn để rệp có cánh nhiều, mưa giảm, thuận lợi cho sự di trú từ nơi này sang nơi khác, quần thể rệp phát triển mạnh vào giữa và cuối vụ mía thì khả năng lây lan từ ruộng mía lớn sang ruộng mía nhỏ mới vươn lóng là rất lớn.

Có thể bạn quan tâm :   Sâu gai hại lúa

Biện pháp phòng trừ rệp bông trắng Ceratovacuna lanigera

– Từ vụ sau, không nên bố trí 2 vụ mía liền kề sát bên nhau như hiện trạng hai ruộng mía của bạn, điều này vừa tiện lợi khi tiến hành các biện pháp canh tác và bảo vệ thực vật, vừa có lợi cho việc ngăn ngừa rệp di chuyển gây hại từ ruộng mía lớn sắp thu hoạch sang ruộng mía tơ đang phát triển.

– Bón đạm sớm và cân đối đạm, lân và kali.

– Làm sạch cỏ và cắt lá già để ruộng mía được thông thoáng.

– Theo dõi và phát hiện kịp thời các ổ rệp để vuốt bằng tay sẽ hiệu quả và ít độc hại.

– Nếu mật số rệp cao và có nguy cơ lan sang ruộng mía tơ thì dùng một trong các loại thuốc như : Pyrinex, Dragon, Dimenat, Bascide, .. để luân phiên phun, có thể pha thuốc với dầu khoáng SK Enspray 99EC sẽ có tác dụng diệt rệp cao hơn.

Chú ý :

– Cần trang bị bảo hộ lao động đầy đủ khi phun thuốc, nên phun lúc trời mát và phun kỹ ở mặt dưới lá.

– Cách phun: Tham khảo cách phun xịt thuốc trên ruộng mía để trừ bọ rầy đầu vàng ở chuyên mục Bác sĩ cây trồng báo NNVN số 183 ra ngày 13 tháng 9 năm 2006.

Nguồn: Báo nông nghiệp