Đợt rồi tiệm có nhận thấy một số cây do tiệm nhân giống có hiện tượng bị sâu bệnh tấn công. Ngay sau khi xác định đối tượng tấn công là ai và xử lý, hôm nay tiệm cây xanh Suly xin phép được chia sẻ với các bạn kinh nghiệm tiêu diệt các loài sâu bênh tấn công sen đá 🙂
Xương rồng và sen đá đều có khả năng chống chịu cao. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng không bị phá hoại bởi các sinh vật khác. Rệp, ốc sên và một số các sinh vật gây bệnh khác sẽ là những vị khách không được chào đón trong vườn nhà bạn.
1) Rệp sáp (Mealy Bugs)
Rệp sáp (Planococcus citri) là những côn trùng nhỏ có chiều dài khoảng 3mm, phủ một lớp bông màu trắng. Chúng sống thành tập đoàn và hình thành những khối bông màu trắng – có tác dụng bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi và các tác động khác từ môi trường. Khối bông là dấu hiệu cho thấy cây của bạn đã bị nhiễm rệp sáp. Rệp sáp sẽ lấy chất dinh dưỡng từ nhựa cây, khiến cây ngừng phát triển sau đó suy yếu và thối rữa. Ta có thể xử lý rệp sáp bằng cách lấy bông tăm tẩm cồn bôi nhẹ lên những vùng bị nhiễm rệp sáp. Thuốc trừ sâu được coi như biện pháp để diệt rệp sáp trên diện rộng.
Bằng nhiều cách, rệp sáp còn có khả năng tấn công rễ. Nếu bạn không thấy bất cứ sâu bệnh nào nhưng cây vẫn ngày một suy yếu thì nguyên nhân có thể do sự kí sinh của rệp sáp ở rễ cây. Để loại bỏ chúng, bạn cần rửa sạch rễ và ngâm chúng trong thuốc trừ sâu chuyên dụng, sau đó thay chậu và đất.
2) Nhện đỏ (spider mites)
Nhện đỏ (Tetranychus sp.) là sinh vật cực kì nhỏ bé và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng thường sống trên mạng nhện màu trắng và ở gần bề mặt của cây. Chúng hút nhựa cây và gây suy yếu cho cây, tạo tiền đề cho việc nhiễm trùng thứ phát từ virus, vi khuẩn hay nấm. Cây nhiễm nhện đỏ thường có sự phát triển các đốm vàng sau đó chuyển sang màu nâu gỉ và gây sẹo cây. Để diệt trừ loại nhện này, bạn có thể dùng thuốc trừ nhện hại (acaricides miticides).
3) Rệp son (Scale insects)
Rệp son (Dactylopius coccus) là loài côn trùng có kích thước nhỏ như đầu mũi kim, có khả năng tiết ra chất sáp để bảo vệ cơ thể. Cũng như các loại sâu bệnh trên, chúng hút nhựa cây và khiến cây chết dần. Khi cây bị nhiễm rệp son, ta xử lý tương tự như khi nhiễm rệp sáp.
4) Muỗi nấm (Fungus Gnats)
Muỗi nấm là một loại côn trùng giống ruồi, màu đen, nhỏ và thường làm tổ xung quanh nhà. Muỗi nấm không gây bệnh, nhưng chúng có khả năng ăn rễ và thân cây khiến cây bị mục nát.
Có nhiều cách để diệt muỗi nấm như:
– Dùng băng phiến: Khi thấy sự xuất hiện của muỗi nấm, sử dụng một ít băng phiến hòa tan với nước rồi đem tưới cây như bình thường. Chú ý không nên sử dụng quá nhiều băng phiến để tránh gây hại cho cây.
– Dùng keo dính bẫy ruồi: Khi muỗi nấm đã trưởng thành có thể sử dụng bẫy ruồi để diệt muỗi nấm.
– Bình xịt tự chế:
o Cách 1 – Trộn cồn với nước theo tỉ lệ 1:1 .Cho dung dịch vào bình xịt. Cứ 3 ngày phun lên cây 1 lần . Làm liên tục trong vòng 3 tuần.
o Cách 2 – Sử dụng rượu Vooka và nước hòa vào với nhau theo tỉ lệ 1:3. Phun thử vào 1 chiếc lá để chắc rằng nồng độ rượu không quá cao.
o Cách 3 – Trộn 2 muỗng xà phòng với nước và quả chanh để làm sạch lá cây
Một lưu ý khác để ngăn chặn những loại côn trùng gây hại cho cây: Trước khi trồng cây rải một lớp cát xuống đất, và khi trồng xong rải một lớp cát lên phía trên cùng của đất. Cách này có thể giúp bạn ngăn chặn mộtt vài côn trùng gây hại và diệt ấu trùng muỗi nấm.
Hơi dài nhỉ? Nhưng một chút thời gian này hẳn cũng sẽ giúp ích cho cây trồng của các bạn đúng không? Nhớ bảo vệ thật tốt vườn cây của bạn khỏi những kẻ phá phách này nhé! Luôn chú ý đến những biểu hiện bất thường của cây, để có biện pháp chăm sóc thích hợp ^^.
…………………………………
Tái bút: Dạo gần đây nhiều bạn hỏi mình về cách chăm sóc sen đá, thế là mình liền xắn tay áo lên để viết bài hướng dẫn cho các bạn. Xong rồi mà vẫn thấy còn thiếu, thế là lại xắn tay áo lên lần nữa, kết quả là post này lên sóng luôn ^^.
……………………………
Nguồn tham khảo:
1. Catus and Succulent Care for Beginners. CSSSJ (Catus & Succulent Society of San Jose).