Rầy mềm, rầy nhớt


Tên khoa học:
Gossypii glover

Họ: Aphididae

Bộ: Homoptera

Đối tượng cây trồng bị hại: Cây cà chua, cây vừng (mè), họ dưa, bầu, bí…

Đặc điểm hình thái rầy mềm, rầy nhớt Gossypii glover

(A) Vòng đời rầy mềm

(B) Rầy mềm hại cải; (C) Rầy mềm hại dưa hấu; (D) Hình dạng rầy mềm; (E) Rầy mềm hại dưa leo.

Thành trùng rầy mềm, rầy nhớt có hai dạng

Dạng không cánh: cơ thể dài từ 1,5 – 1,9 mm và rộng từ 0,6 – 0,8 mm. Toàn thân màu xanh đen, xanh thẩm và có phủ sáp; một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.

Dạng có cánh: cơ thể dài từ 1,2 – 1,8 mm, rộng từ 0,4 – 0,7 mm. Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to. Ống bụng đen.

Rầy mềm rầy nhớt và biện pháp diệt trừ

Ấu trùng, thành trùng không cánh và có cánh

Đặc điểm gây hại của rầy mềm, rầy nhớt

Ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, chồi hút nhựa làm cho các phần ấy bị khô héo hoặc để lại những vết thâm đen trên lá.

Rầy mềm rầy nhớt hại ớt và biện pháp phòng trị

Quần thể rầy mềm và triệu chứng bị hại

  • Triệu chứng gây hại của rầy mềm, rầy nhớt đối với cây ớt

Cả rệp trưởng thành và rệp non đều rất nhỏ, cơ thể mềm, màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến xanh thẫm. Rệp trưởng thành có hai loại có cánh và không có cánh. Rệp phá hoại bằng cách chích hút nhựa làm cây ớt bị chùn đọt, lá cong, xoăn lại, cây sinh trưởng kém, ngoài ra rệp còn là côn trùng môi giới lan truyền bệnh virus trên ớt.

Rầy mềm, rầy nhớt hại ớt

(A) Rầy mềm chích hút ở mặt dưới lá; (B) Rầy mềm chích hút truyền bệnh virus cho cây.

  • Triệu chứng gây hại của rầy mềm, rầy nhớt trên cây dưa, bầu, bí

– Rầy gây hại trầm trọng nếu tấn công các dây chèo hay đỉnh sinh trưởng. Rầy mềm thường tập trung với số lượng lớn ở đọt non làm lá bị quăn queo và phân tiết ra thu hút nhiều nấm đen bao quanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trái.

– Rệp sống tập trung ở chồi non và ở mặt dưới lá khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch và mạnh nhất sau khi cây đậu trái, tán lá rậm rạp, rệp chích hút nhựa làm cho ngọn dưa chùn lại, cây sinh trưởng kém, mật độ rệp cao có thể làm khô cả lá. Rệp còn là môi giới truyền các loại bệnh virus cho cây dưa. Trong giai đoạn có hoa nếu bị loài này tấn công với mật số cao thì hoa dễ bị rụng, nhất là vào thời kỳ cho trái non, gây hiện tượng rụng trái hay trái bị méo mó.

  • Triệu chứng và tác hại của rầy mềm, rầy nhớt trên cây bông vải

Ở  nước ta, rệp phát triển và gây hại trên hầu hết các vùng trồng bông và có mặt trong suốt vụ. Kí chủ của rệp chủ yếu các cây thuộc họ bông như đậu bắp, dâm bụt, …

Ngoài ra, rệp còn là môi giới truyền bệnh xanh lùn hại bông. Đây là một trong những đối tượng truyền bệnh nguy hiểm nhất tại Việt Nam trong những năm qua. Hiện nay, biện pháp trừ rệp đầu vụ đang được khuyến cáo tại Việt Nam, là một trong những giải pháp cắt nguồn bệnh.

 

Mật độ rệp rất đông trên lá bông vải

Mật độ rệp rất đông trên lá bông vải

Trong quá trình gây hại rệp thải ra chất mật dính tạo điều kiện cho nấm muội đen phát triển ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.

Nếu rệp phát sinh gây hại vào giai đoạn bông nở sẽ làm bẩn xơ bông ảnh hưởng đến chất lượng bông hạt gây khó khăn cho việc thu hoạch và chế biến.

Có thể bạn quan tâm :   Bọ xít muỗi

Mật độ rệp đã giảm trên lá bông vải do nấm nâu kí sinh

Mật độ rệp đã giảm trên lá bông vải do nấm nâu kí sinh

Rệp bông thường xuất hiện sớm ngay từ đầu vụ ngay khi cây con có 2 lá mầm, tại vùng trồng bông Tây Nguyên mật độ rệp thường thấp và giảm dần do mưa lớn, ngoài ra còn bị khống chế bởi các loài thiên địch.

Nhiệt độ thấp và ẩm độ không khí cao đều bất lợi cho rệp sinh sản. Mưa có ảnh hưởng trực tiếp đối với rệp, nhất là sau những trận mưa lớn có thể rửa trôi và làm chết nhiều rệp.

Mưa có ảnh hưởng tới ẩm độ không khí từ đó tạo điều kiện cho nấm nâu kí sinh làm cho rệp chết hàng loạt.

  • Triệu chứng gây hại của rầy mềm, rầy nhớt đối với cây mè (vừng)

Rệp thường bám sát vào các chồi non, hoa và nụ non ít di chuyển đi xa. Khi rệp phát triển thành dịch có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với mè ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng.

Ngoài ra, rầy còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây. Sau cùng làm cây bị mất sức, lùn và chết.

  • Triệu chứng gây hại của rầy mềm, rầy nhớt đối với cây ăn quả và các cây trồng khác

Chúng gây hại bằngcách chích hút chồi non, tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá, làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc, ngoài ra chúng còn tiết mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển. Chu kỳ sinh trưởng kéo dài khoảng 7 – 9 ngày, mỗi con cái có khả năng đẻ trung bình 41 con.

Rầy mềm trên lá ổi

Rầy mềm trên lá ổi

Biện pháp phòng trị rầy mềm, rầy nhớt:

– Bảo tồn các loài thiên địch của rệp như bọ rùa, dòi, kiến, nhện, nấm…

– Trồng bông xen cây trồng khác như bắp, đậu nành,… tạo điều kiện cho thiên địch của rệp cư trú.

– Trong điều kiện ẩm ướt, rệp bông rất khó phát sinh thành dịch nên không cần sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Trong trường hợp cần phải phòng trừ thì chỉ cần phun cục bộ nơi có mật độ rệp quá cao.

– Tỉa lá già, tiêu hủy lá có rệp gây hại. Nhặt và chôn vùi các phần có rầy gây hại,  sau thu hoạch nên thu dọn sạch tàn dư thực vật vì là nơi chứa lượng lớn trứng và rệp trưởng thành.

– Không nên bón nhiều phân đạm, tưới đủ ẩm trong mùa khô.

– Nếu mật độ rệp thấp, nên lặt bỏ bằng tay.

– Rầy mềm nhân mật số rất nhanh nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời và phòng trị đúng lúc thì cũng tương đối dễ diệt. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu thông dụng để trị.

– Vì rầy mềm truyền bệnh virus nên thuốc trừ sâu chỉ có thể diệt được rầy mà không hạn chế được bệnh, nhưng nếu áp dụng thuốc sớm, diệt được số lớn rầy ở giai đoạn đầu thì khả năng truyền virus của rầy không nhiều.

– Sử dụng thuốc trừ sâu nên để ý đến quần thể thiên địch của rầy mềm.

– Có thể phun thuốc trừ rệp như dầu khoáng SK 99EC, Sairifos 585 EC hay pha cả hai loại với nhau.

– Rầy mềm có tính kháng thuốc cao, khi thấy vài con trên 1 đọt non cần phun các thuốc có hoạt chất Pymetrozin…

– Những vùng bông vải có bệnh xanh lùn thì có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học để phòng trừ như:  Admire 50 EC, liều lượng 0,6 lít/ha; Mospilan 3EC, liều lượng 0,3 lít/ha.

Nguồn: Admin tổng hợp