Tên khoa học:
Chilo polychrysus Meyrik Chilo polychrysa Meyrik
Họ: Pyralidae
Bộ: Lepidoptera
Triệu chứng gây hại của sâu đục thân 5 vạch đầu đen
– Thời kỳ mạ: từ khi còn nhỏ bị phá hại có thể bị chết khô, nếu cây mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ
– Thời kỳ đẻ nhánh: cây lúa bị hại có biểu hiện rõ: sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần dần chuyển thành màu vàng và héo khô
– Thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu: cây lúa bị hại tuy có thể hình thành dảnh mới và thành bông nhưng trọng lượng ngàn hạt đều kém so với cây khỏe
– Thời kỳ lúa đứng cái và đòng non: sâu tập chung phá hại phía trong bẹ và dịch vào ống, có khi phá nát đòng non.
– Cuối thời kỳ làm đòng và bắt đầu trỗ: sâu đục vào phần cuống đòng cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa, hoặc nếu sâu non tuổi nhỏ tập chung cắn nát đòng thì bông lúa không trỗ.
Ruộng lúa trổ bị sâu đục thân (bông lép trắng)
Đặc điểm hình thái sâu đục thân 5 vạch đầu đen
– Ngài đực: có đầu ngực màu nâu vàng có điểm màu nâu tối; bụng màu nâu xám; râu hình răng cưa; cánh trước màu vàng nâu có phẩy màu nâu đậm, giữa cánh có 4 đốm nâu thẫm óng ánh xếp theo hình ”>” và trên các đốm có pha các vảy óng ánh bạc và vàng kim; phía trong và ngoài buồng giữa cánh có một số phiến vảy nâu ánh kim; cùng với đường vân ngoài của cánh có một vệt đai rộng màu nâu, ở đường vân phụ ngoài có dãy chấm đen, nâu đậm, ở vị trí đường mép ngoài cánh có 7 chấm đen. Cánh sau màu nâu vàng nhạt, lông viền cánh màu bạch trắng.
– Ngài cái: có thân dài hơn ngài đực, râu đầu dạng sợi chỉ màu tro và màu nâu xám xen kẽ nhau; cánh trước màu vàng, có đốm nhỏ giữa cánh bé hơn so ngài đực và màu cánh nhạt hơn, các đặc điểm khác không rõ bằng ngài đực; cánh sau tương tự ngài đực.
– Trứng: hình bầu dục dẹt, mới đẻ màu trắng, sau chuyển màu vàng nhạt, vàng tro; trước lúa nở 1-2 ngày thể hiện rõ điểm đen. Trứng đẻ thành từng ổ theo dạng vẩy cá, thường từ 1-3 hàng, nhiều nhất 5 hàng trên mặt lá.
– Sâu non: đẫy sức có đầu màu đỏ đậm tối hoặc đen; mặt bụng của ngực trắng mờ xen lẫn vàng nhạt hoặc nâu nhạt; mảnh lưng ngực trước nâu đen, lưng có 5 vạch dọc. Bình thường sâu non có 5 tuổi, cá biệt có 7 tuổi.
– Nhộng: con cái dài hơn nhộng đực. Nhộng mới hóa có màu vàng, mặt lưng có 5 vạch dọc màu nâu gụ. Lỗ thở của bụng hơi lồi, gần mép trước của mặt lưng đốt bụng thứ 5-7 có dẫy chấm nổi, cuối bùng phía lưng có 4 gai xếp thành vòng cung, phía bụng có 2 gai, các gai đều ngắn, thẳng và không có lông.
Đặc điểm sinh học, sinh thái và gây hại của đục thân 5 vạch đầu đen
* Vòng đời:
Vòng đời của sâu đục thân bướm 5 vạch đầu đen từ 35-60 ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ:
+ Thời gian trứng: 4-7 ngày.
+ Thời gian sâu non: 20-41 ngày.
+ Thời gian nhộng: 4-6 ngày.
+ Thời gian ngài vũ hóa đến đẻ trứng: 2-5 ngày.
* Đặc điểm sinh học và gây hại đục thân 5 vạch đầu đen
Ngài của sâu đục thân 5 vạch đầu đen có tính hướng sáng yếu hơn sâu đục thân bướm 2 chấm và vũ hóa về đêm và sau đó giao phối ngay trong đêm đó hoặc đêm sau và sau khi giao phối 1 đêm thì bắt đầu đẻ trứng. Mỗi ngài cái có thể đẻ từ tới 480 trứng trong 3 ngày, một ổ trứng có từ 7-150 quả trứng/ổ và trứng có tỉ lệ nở rất cao. Một năm sâu đục thân 5 vạch đầu đen phát sinh 6 lứa. Điều kiện nhiệt độ ấm nóng và ẩm độ cao thích hợp cho sâu phát sinh gây hại.
Sâu non xâm nhập vào bẹ lá vào thân cắt đứt đường vận chuyển dinh dưỡng làm héo đỉnh sinh trưởng, làm chế cây ở giai đoạn lúa non hoặc bông bạc, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Nhộng làm ổ bên trong thân lúa và bướm vũ hóa từ đấy.
Sâu đục thân 5 vạch đầu đen phát sinh gây hại nặng ở vụ lúa xuân sớm; các ruộng chân cao có xu hướng bị hại nặng hơn các ruộng chân vàn (trong vụ xuân), ruộng ẩm ướt, rậm rạp thì sâu phát sinh nhiều hơn so với ruộng hạn. Quy luật phát sinh gây hại tương tự như sâu đục thân 5 vạch đầu nâu. Loại sâu này phân bố khắp các vùng trồng lúa trong nước và trên thế giới.
– Biện pháp canh tác, kỹ thuật:
+ Bón cân đối NPK, không nên bón quá nhiều đạm và bón đạm kéo dài.
+ Bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp. Sau khi gặt lúa, cày lật gốc rạ, phơi ải hoặc ngâm nước (làm dầm) để diệt nhộng.
+ Dùng các biện pháp thủ công: ngắt dảnh héo, ổ trứng; bẫy đèn đồng loạt bắt bướm…
– Biện pháp hóa học: Phun các loại thuốc lưu dẫn, vị độc, tiếp xúc, nội hấp như: Padan 95SP, Gegent 800WP…
– Thời điểm phun thích hợp nhất:
Với sâu đục thân 5 vạch đầu đen, đầu nâu và sâu đục thân bướm cú mèo thì thời điểm phòng trừ sớm hơn tốt nhất là từ trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch (hoặc thời điểm vừa lúa vừa ngưng đẻ nhánh hữu hiệu, trước khi bón phân đón đòng).
Bởi vì sâu đục thân 5 vạch đầu nâu và đầu đen thích nghi với nhiệt độ thấp hơn so với sâu đục thân bướm hai chấm nên có thể phát sinh liên tục trong các tháng mùa đông. Hai loài sâu đục thân này phá hại từ khi cây lúa ở cuối giai đoạn đẻ nhánh đến khi trỗ. Mỗi năm hai loài sâu này đều xuất hiện 5, 6, 7 lứa và thích hợp với ruộng có mức nước không ngập bẹ lá. Còn sâu đục thân bướm cú mèo mỗi năm xuất hiện 5- 6 lứa. Sâu thích hợp với khoảng nhiệt độ rộng nên phát sinh gây hại tất cả các vụ lúa, kể cả những tháng mùa đông.
+ Không nên dùng thuốc trừ sâu hoà với nước phun khi lúa còn nhỏ và đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ và lúc này lúa vẫn có khả năng đẻ thêm nhánh để bù vào các nhánh bị sâu phá hoại, đồng thời làm như vậy sẽ giết chết các thiên địch của sâu đục thân.
+ Có thể phun thuốc sâu ở ruộng mạ trước khi nhổ cấy hoặc những ruộng trỗ muộn có khả năng bị bông bạc.
+ Ở những vùng thường bị sâu hại dùng thuốc dạng hạt rải khi kúa ngưng đẻ hữu hiệu (35 – 45 ngày sau khi sạ cấy tuỳ giống lúa).
Nguồn: Tổng hợp