Sâu cắn lá hại ngô (bắp)


Đặc điểm gây hại của sâu cắn lá hại ngô (bắp):

Sâu phá hại nặng nhất ở các vùng đất bãi ven sông. Sâu non tuổi nhỏ cắn phá phần non như nõn ngô, hoa đực. Sâu tuổi lớn gặm khuyết phiến lá, ăn trụi phần thân non tới đỉnh sinh trưởng. Sâu có thể ăn hết phần thân ngô non trên mặt đất. Khi ngô trỗ cờ, sâu phá hại lá, chui vào bắp ăn hạt non, râu ngô làm tỷ lệ kết hạt ở bắp giảm đi. Sâu non từ khi nở đến khi hoá nhộng không rời cây ngô, nhưng khi thành dịch thì sâu có thể tràn từ ruộng này sang ruộng khác để phá hại. Sâu non hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong nõn ngô, bẹ lá hoặc chui xuống đất ở gần gốc.

Sâu cắn lá ngô có  7 – 8 lứa 1 năm. Hàng năm sâu xuất hiện trên ngô sớm vào tháng 10 – 11, gây hại vào tháng 1 – 2, phá hại mạnh nhất trong khoảng từ tiểu hàn đến vũ thuỷ. Sâu phá hại mạnh trà ngô đông xuân gieo muộn trong tháng 12 (5 – 8 lá). Từ đầu tháng 3 mật độ sâu giảm dần. Mùa hè và mùa thu, sâu thường chỉ tồn tại lẻ tẻ. Những năm có mùa đông mưa ẩm sâu phát sinh nhiều. 

Đặc điểm hình thái sâu cắn lá hại ngô (bắp):

Trứng hình cầu, đẻ thành ổ xếp với nhau như dạng vẩy cá. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển sang màu nâu. Sâu non màu nâu nhạt, đầu màu nâu vàng, có vân mạng lưới không theo quy luật. Trên lưng dọc theo cơ thể có 4 vạch nâu thẫm. Khi cây ngô còn nhỏ sâu thường hoá nhộng trong đất ở độ sâu 2- 5 cm, khi cây ngô đã trỗ cờ thì sâu hoá nhộng ngay trên bẹ lá, lá bi hoặc trong bắp. Nhộng dài 18 – 19mm, màu cánh gián nhạt hoặc sẫm. Bướm trưởng thành thân dài 14 – 18mm, sải cánh 25 – 30mm. Đầu ngực màu nâu tro. Cánh trước nâu nhạt hoặc nâu vàng. Cánh sau màu trắng, mạch cánh và mép ngoài màu nâu.

Có thể bạn quan tâm :   Sâu cuốn lá lớn hại lúa

Sâu cắn lá hại ngô, biện pháp phòng trừ sâu cắn lá

Biện pháp phòng trừ sâu cắn lá hại ngô (bắp):

– Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

+ Luân canh cây trồng để tránh sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác. 

+ Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ sau khi thu hoạch. Làm sạch cỏ trong ruộng và quanh bờ để hạn chế nơi trú ngụ của sâu.

+ Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.

+ Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng.

+ Bẫy diệt bướm trưởng thành bằng mồi bả chua ngọt vào tháng 12 đến đầu tháng 2.

– Biện pháp hóa học:

Dùng thuốc vị độc, tiếp xúc hoặc thuốc lưu dẫn trong cây như  Basa 50EC, Padan 95SP, Ababetter 1.8 EC, 3.6EC, 5EC,  Regent   1.8EC, 2WG, 3.6EC, 5EC, 5WG….

Phun theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.