Ở nước ta, hoa hồng được trồng khắp nơi bởi vẻ đẹp rực rỡ, hương thơm nồng nàn quến rũ đặc biệt là cây hoa hồng gỗ. Chúng tỏa ra những bông hoa to với đủ sắc màu. Kỹ thuật trồng hoa hồng không khó nhưng để ghép hoa hồng thì không phải ai cũng làm được đòi hỏi phải khéo léo và am hiểu kỹ thuật cơ bản nhất.
Trồng hoa xin chia sẻ đến quý bạn đọc Kỹ thuật ghép hoa hồng thân gỗ nhiều màu. Cùng tham khảo và thực hiện nhé!
Dụng cụ ghép hoa hồng gỗ
Dao cắt, băng keo nilon chuyên dụng, gốc ghép, cành ghép.
Gốc ghép hoa hồng có nhiều loại màu khác nhau, từ màu nhung đỏ, hồng phấn, hồng hường, cho đến màu vàng, vàng đỏ xen kẽ, trắng, trắng phớt hồng
Để cho gốc ghép có sức sốn khỏe, sống bền lâu, nên chọn những giống hồng dại, hồng leo, hồng tỷ muội làm gốc ghép và phải đảm bảo khỏe mạnh, mập.
Thời vụ ghép hoa hồng thân gỗ
Thời gian thuận tiện cho việc ghép cây hoa hồng thường là vào mùa mưa hay mùa xuân. Hoa hồng ưa ánh nắng mặt trời, vì vậy vị trí trồng cây phải được chiếu sáng ít nhất 6 tiếng một ngày. Nên trồng hướng đông để cây đón được ánh sáng mặt trời buổi sáng. Nơi trồng cây cũng phải rộng rãi, thoáng và gió.
Kỹ thuật ghép hoa hồng thân gỗ
Trồng gốc ghép ở chỗ đất tốt, chăm sóc chu đáo để cây phát triển nhanh, gốc nhanh lớn. Khi gốc có độ lớn cỡ cây viết chì trở lên thì tiến hành cắt cành (cắt cách gốc khoảng 3 tấc) để cây ra tược non. Chăm sóc thật tốt chờ cho những tược mới này có độ lớn đạt yêu cầu thì tiến hành ghép.
Có một số phương pháp ghép hoa hồng thân gỗ như ghép áp, ghép mặt, ghép chẻ ngọn: Tùy theo điều kiện mà người trồng hoa hồng gỗ lựa chọn phương pháp ghép phù hợp.
Đối với cách ghép áp
- Trên cây gốc ghép chọn một cành bánh tẻ lớn cỡ cây đũa ăn cơm. Trên cành ghép cũng chọn một cành bánh tẻ có độ lớn tương tự như vậy.
- Ở mỗi cành, cắt vạt một đoạn vỏ dài khoảng 2cm cho lộ tầng sinh gỗ (tức phải bóc hết lớp vỏ ở chỗ cắt vạt). Áp hai mặt cắt vạt lại với nhau rồi dùng dây nilon quấn vừa đủ chặt.
- Khi hai cành đã dính liền vỏ thì cắt bỏ phía trên của gốc ghép (cách chỗ ghép khoảng 2-3 cm) và cắt đứt phía dưới chỗ ghép của cành ghép.
- Giữ nguyên dây quấn để cành ghép không bị tách rời nhau trong giai đoạn đầu. Khi nào thấy chắc ăn thì gỡ bỏ dây nilon.
Ghép mặt (ghép bo):
Khi gốc ghép hoa hồng lớn khoảng gần bằng cây viết chì trở lên là có thể ghép được
- Dùng dao ghép (dao nhỏ, mỏng, nhọn, cứng) cắt một nhát ngang cành rộng khoảng gần 1cm (nhớ cắt nhẹ tay sao cho vừa đứt phần vỏ là được). Từ điểm giữa của vết cắt, dùng mũi dao xẻ dọc một đường xuống phía dưới (dài khoảng 2 phân) tạo thành hình chữ T (phần này gọi là cửa sổ).
- Cánh giống để lấy mắt (bo) cũng có độ lớn tương đương với cành làm gốc ghép. Chọn mắt ghép mới nổi u, to, vừa nhú mầm, chưa ra lá. Dùng dao ghép đặt phía dưới cách mắt mầm khoảng 5-7 mm rồi lia lưỡi dao dọc theo cành ghép từ phía dưới lên trên. Nhát cắt sẽ lấy đi một mảnh vỏ hình khiến (có chứa mắt mầm). Phía dưới mảnh vỏ còn dính một ít vẩy gỗ mỏng, khi ghép phải tách bỏ vẩy gỗ này.
- Lấy mũi dao tách nhẹ hai mí của chữ T trên cửa sổ đặt “bo” vào giữa đường thẳng xuống của chữ T theo chiều từ trên xuống. Lấy dây nilon quấn vừa đủ chặt chỗ ghép, nhớ chừa chỗ mắt mầm để chúng nảy tược tạo cây mới sau này.
- Khoảng hai ba tuần sau nếu thấy “bo” còn sống thì cắt bỏ đoạn cành ở phía trên chỗ ghép (cách chỗ ghép khoảng 2-3 cm) để tược được phát triển mạnh.
Ghép chẻ ngọn:
Gốc ghép là những tược còn non có độ lớn cỡ ruột cây viết trở lên là có thể ghép được. Trên cành ghép cũng chọn những tược tương tự.
- Dùng dao ghép cắt bỏ phần ngọn gốc ghép khoảng 4-5cm. Cắt bỏ một số lá và gai ở phía dưới chỗ vừa cắt ngọn, chẻ đôi đầu của gốc ghép vào sâu khoảng 1.5cm.
- Dùng dao cắt lấy phần ngọn trên cành ghép (cũng dài khoảng 4-5cm) sau đó cắt vạt hai bên của đoạn ngọn này tạo thành hình nêm (chỗ cắt vạt dài khoảng 1 cm)
- Nhẹ nhàng đưa phần vừa vạt nêm vào giữa chỗ vừa chẻ đôi ở trên đầu của gốc ghép.
- Lấy dây nilon mềm quấn vừa đủ chặt, rồi dùng một bao nilon (loại trong, kích thước 4×8 cm) chụp vào chỗ vừa ghép rồi buộc chặt phía miệng bao lại để chống nước mưa xâm nhập vào chỗ ghép. Che nắng cho chỗ ghép để chỗ ghép không bị khô héo.
- Sau khoảng 7-10 ngày, nếu thấy cành ghép vẫn còn xanh là đã thành công, mở bao nilon. Khi cành ghép ra lá mới thì có thể bỏ đồ che nắng và tháo bỏ dây nilon.
Chăm sóc hoa hồng sau ghép
Việc chăm sóc gốc hồng ghép về cơ bản cũng tương tự như việc chăm sóc hoa hồng bình thường. Lưu ý sau 1 thời gian trồng các cây hồng đã ghép nhánh, thỉnh thoảng có các chồi hồng non mọc bên dưới mắt ghép thì những chồi non này cần được loại bỏ hoàn toàn. Vì những chồi này phát triển rất khỏe, chúng sẽ dành lấy dinh dưỡng của cây làm phần nhánh hồng ghép bên trên kém phát triển.
Việc bón phân cho gốc hồng cũng khá quan trọng giúp cây nuôi dưỡng toàn bộ của cây. Việc tưới nước cũng đừng quên vì nếu để cây hoa hồng khô sẽ cằn cỗi, hoa nhỏ.
Xem thêm