Từ lâu hoa lan luôn được coi là biểu tượng của sắc đẹp không chỉ bởi hình dáng yêu kiều mà còn bởi toát lên vẻ đẹp thanh khiết, trong sáng nhưng cũng không kém phần rực rỡ. Chính bởi vẻ đẹp này mà hoa lan được nhiều người lựa chọn trồng làm cảnh trong khuôn viên nhà biệt thự, nhà hàng hay quán cafe…
Có rất nhiều phương pháp trồng hoa lan nhưng phương pháp trồng hoa lan cắt cành được nhiều người lựa chọn. Các nhóm lan cắt cành được trồng phổ biến hiện nay như lan Dendrobium, lan Mokara, lan Vanda, lan Oncidium – vũ nữ. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho các bạn kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành nở rực rỡ quanh năm. Cùng tham khảo nhé!
»»» Kỹ thuật trồng hoa lay ơn nở nhiều nụ
Cơ sở vật chất trồng hoa lan cắt cành
Trước tiên cần phải làm khung sườn giàn cho hoa lan. Cột chống đỡ cho giàn lan thường bằng trụ xi măng hoặc trụ sắt hoặc cây. Chiều cao của cột: 3 – 3,5 m. Chiều rộng tuỳ theo kích thước vườn. Nóc có thể làm theo kiểu nhà một mái hoặc hai mái. Mái che giàn lan thường được làm bằng lưới đen và lưới xanh.
Ưu điểm: nhẹ và dùng được lâu.
Giá thể trồng hoa lan cắt cành
Giá thể trồng lan cắt cành gồm xơ dừa và vỏ đậu phộng. Lưu ý: trong xơ dừa có chất tannin là chất chát. Vì vậy trước khi dùng nên ngâm nước nhiều ngày, sau đó vớt ra phơi khô, phun thuốc trừ bệnh để phòng ngừa. Các loại cột (có thể bằng ống nhựa hoặc cây gỗ nhỏ) để tưạ cây giống.
Kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành
Phương pháp trồng
Đối với lan cắt cành có thể trồng nhiều phương pháp khác nhau. Nếu dùng phương pháp trồng ghép trên thân cây thì sử dụng thân cây còn sống. Cây lan được trồng ghép phải nhận được ánh sáng ban mai (cách này rất thích hợp cho tất cả các giống lan, đặc biệt lan rừng). Nếu sử dụng thân cây đã chết, cắt thành các khúc ngắn để treo hay thành những đoạn dài để đứng, có giàn che cây lan.
Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây rồi buộc chồng lên đó gốc lan muốn trồng để giữ độ ẩm cây. Vào mùa mưa hay những nơi thời tiết quá ẩm không cần dùng xơ dừa. Khi buộc phải để gốc lan nằm lộ ra ngoài không khí, rễ lan ló ra.
Trồng thành băng bằng xơ dừa thì nên chọn xơ dừa của những quả già, khô xé ra to bằng bàn tay. Xếp các mảnh xơ dừa này thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre. Mặt lưng quay xuống, mặt ruột lõm quay lên. Giữ chặt chúng bằng 2 thanh nẹp tre ở 2 bên.
Hoặc xếp các miếng xơ dừa theo chiều đứng thành từng bánh khoảng 3 – 5 cm. Dùng các cọc tre có mũi nhọn cắm thẳng vào giữa miếng xơ dừa để làm cọc đứng. Buộc cây lan vào cọc, gốc lan sát với xơ dừa.
Tưới nước
Với phương pháp trồng hoa lan này thì cần tưới nước ít hơn so với trồng bằng than trong chậu. Để tránh úng nước có thể đục một lỗ nhỏ ở giữa miếng xơ dừa trước khi trồng.
Trồng thành luống
Trồng thành luống cần lên luống cao 15 – 20 cm, rộng 1m. Chiều dài tuỳ theo kích thước vườn. Có thể sử dụng giá thể gồm đất với phân chuồng, tro trấu. Nhưng hiện nay giá thể trồng luống được sử dụng là võ đậu phộng cho kết quả rất tốt. Vì giá thể này có đặc điểm nhẹ, xốp nên thoát nước tốt, đồng thời quá trình phân hủy võ đậu phộng góp phần cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Hai bên luống dựng 2 hàng cọc đứng có nẹp tre theo chiều ngang để đỡ cây lan. Cọc cao khoảng 1 – 1,5m. Khoảng cách giữa 2 hàng là 30 – 50 cm.
Sau đó nên buộc đứng các cây lan vào các nẹp tre, cành cách cành 20 cm. Các cành lan dài khoảng 40 – 50 cm, càng nhiều tầng rễ càng tốt, thường có 2 – 3 tầng rễ. Dùng vỏ đậu phộng trải trên mặt luống cho chạm đến gốc lan. Trên cùng dùng xơ dừa đã ngâm trải lên nhưng không nén lại mà tạo thành độ xốp (tính từ mặt đất cho đến lớp xơ dừa cao khoảng 20 cm).
Ánh sáng
Che nắng cho lan khi mới trồng bằng lưới, phen tre hay bằng tán lá dừa để có khoảng 50% – 60% ánh sáng, gỡ bỏ dần khi cây phát triển tốt. Làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với lan và thường xuyên bón phân. Có thể hoà loãng phân bò, lợn bôi lên các nẹp tre.
Bón phân cho hoa lan cắt cành
Sau khi trồng, thời gian đầu nên sử dụng loại phân bón lá có chứa B1 và NAA để kích thích cây phát triển rễ và mau phục hồi. Sử dụng mỗi tuần một lần loại phân cá – là loại phân bón lá dạng hữu cơ rất tốt cho lan. Sau đó luân phiên sử dụng B1, phân cá và loại phân bón lá có hàm lượng N cao. Ví dụ như 31-11-11 để phun cho lan. Từ 3 – 6 tháng đầu sử dụng liên tục và luân phiên các loại phân bón lá trên.
Nếu có điều kiện có thể bổ sung tưới hoặc phun bánh dầu đã được ngâm kỹ, hết mùi hôi và sau đó lọc kỹ đưa vào bình phun cho cây.
Về chế độ tưới hàng ngày nhất là vào mùa nắng nên đảm bảo tưới hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều mát. Đối với những ngày có sương hoặc hơi lạnh có thể tưới sớm để rửa lá trước khi mặt trời mọc.
Nhóm lan cắt cành ít bị sâu phá hoại, chủ yếu là theo dõi nếu có kiến quá nhiều thì nên phun thuốc trừ sâu với nồng độ loãng để diệt kiến. Một số vườn lan loại này có xuất hiện rệp vảy cũng cần phải theo dõi và phun thuốc.
Chỉ tập trung phun thuốc trừ bệnh đối với những cây bị nhiễm bệnh với các loại thuốc như: Aliette, Score, COC 85, Carbendazim, Rampart luân phiên nhau. Cần lưu ý không được bón phân chuồng tươi làm cho nấm bệnh phát triển, cây rất dễ bị nhiễm bệnh.
Xem thêm