Châu chấu (cào cào)


Tên khoa học:
Oxya chinensis, Patanga succinta, Ceracris spp

Tên khoa học: Có rất nhiều loại châu chấu gây hại như:

Châu chấu (cào cào) lúa: Oxya chinensis

Châu chấu (cào cào) sống lưng vàng: Patanga succinta

Châu chấu (cào cào) tre lưng vàng: Ceracris spp

Họ: Acrididae

Bộ: Orthoptera

Triệu chứng gây hại của cào cào

Châu chấu (cào cào) di chuyển thành đàn, cả con trưởng thành và con non đều gây hại, chúng gặm cả lá non và lá già, làm khuyết từng mảng hoặc thủng lá, lá bị hại nặng còn trơ lại gân lá. Khi di chuyển thành đàn lớn chúng gây thành dịch, có thể phá hại toàn bộ ruộng ngô, lúa hoặc hoa màu cả vùng. Châu chấu (cào cào) xuất hiện quanh năm và cũng tùy thuộc vào số lượng mà có thể gây tác hại lớn hay nhỏ. Chúng hoạt động mạnh vào lúc trời mát mẻ thường từ 7 – 10 giờ sáng và 3 – 5 giờ chiều.

Châu chấu (cào cào) hại lúa

Châu chấu lưng vàng tuổi 4, tuổi 5 gây hại trên diện tích mía

Ruộng ngô bị dịch châu chấu, trứng châu chấu

Ruộng ngô bị dịch châu chấu (cào cào)

Châu chấu (cào cào) tập trung với mật độ lớn phá hoại hoa màu

Đặc điểm hình thái của cào cào

– Trứng hình ống hơi cong ở giữa, một đầu hơi to màu vàng đậm, ổ trứng hình túi, trong đó trứng xếp xiên hai hàng. Trứng đẻ thành ổ từ 10-30 quả trong thân lúa, nếp gấp của lá lúa và trong những bụi cỏ trên mặt nước.

– Châu chấu (cào cào) non thường có 6 tuổi, màu xanh, râu sợi chỉ, mảnh lưng ngực trước dài hơn đầu, mầm cánh kéo dài tới đốt thứ giữa bụng.

– Con trưởng thành con cái thân dài hơn con đực, màu xanh vàng hoặc nâu bóng; râu đầu sợi chỉ có 23 – 28 đốt; mắt kép. Góc dưới phía sau mảnh lưng đốt bụng 3, 4 con cái có dạng gai. Mép sau mảnh sinh dục dưới có 4 răng, cự ly giữa các răng bằng nhau.

Đặc điểm sinh học, sinh thái và gây hại của cào cào

* Vòng đời: khoảng 200 – 210 ngày

+ Giai đoạn trứng: 15 – 21 ngày.

+ Giai đoạn sâu non: 100 ngày.

+ Giai đoạn trưởng thành: khoảng 3 tháng.

* Đặc điểm sinh thái và gây hại:

Con trưởng thành sống khoảng 3 tháng, trong đó con cái sống lâu hơn con đực. Sau khi hóa trưởng thành được 5-40 ngày thì bắt đầu giao phối, sau 10-41 ngày (trung bình trên dưới 20 ngày) bắt đầu đẻ trứng. Mỗi con cái có thể đẻ 3 ổ, mỗi ổ có 10-102 quả. Châu chấu (cào cào) thường thích đẻ trứng ở đất ẩm, xốp, có nhiều cỏ dại, nhiều ánh nắng, thích đẻ trên đất cát pha.

Con non ngay sau khi nở đã bắt đầu phá hại. Trưởng thành hoạt động mạnh vào 7-10 giờ và 16-17 giờ. Ban đêm châu chấu (cào cào) có xu hướng bay vào ánh lửa sáng hoặc đèn tia tử ngoại, khi nhảy xuống mặt nước có thể bơi. Châu chấu (cào cào) phá hại quanh năm, đặc biệt là những nơi cấy cả vụ sớm và muộn.

Có thể bạn quan tâm :   Rệp đậu, rầy mềm

Châu chấu (cào cào) phân bố phổ biến ở khắp các vùng trồng lúa và hoa màu của Việt Nam và trên thế giới. Cả trưởng thành và sâu non đều gây hại và gây hại tất cả các thời kỳ phát triển của cây trồng.

Biện pháp phòng trừ châu chấu, cào cào

– Biện pháp thủ công:

+ Dọn sạch cỏ ở các bờ ruộng hoặc sơn bờ ruộng.

+ Theo dõi sát tình hình mật độ châu chấu (cào cào) trên lúa mùa, nếu mật độ cao có thể tổ chức phát động nông dân dùng vợt bắt trước khi vào vụ sản xuất.

+ Châu chấu (cào cào) có xu tính bay vào ánh lửa sáng vào ban đêm, do vậy những vùng có mật độ cao có thể đốt lửa vào ban đêm để tiêu diệt nhằm giảm mật độ trên đồng ruộng.

– Biện pháp sinh học:

+  Sử dụng các chế phẩm nấm sinh học Metarhizum để phòng trừ, tuy nhiên hiệu quả chậm. Điểm mặt của phương pháp này là hiệu quả lâu dài, an toàn, bảo vệ thiên địch và môi trường.

– Biện pháp hóa học:

– Dùng các loại thuốc có vị độc, tiếp xúc như: Sherpa 25EC, Fastac 5EC… Có thể dùng hỗn hợp thuốc lân hữu cơ và cúc tổng hợp có hiệu quả cao nhất: Bà con có thể tự pha trộn hoặc dùng các thuốc đã hỗn hợp sẵn như Dragon, Fenbis, Sherzol… Ngoài ra, cũng có thể dùng một số thuốc khác như Gà Nòi, Pyrinex, Sagosuper… 

Thời điểm diệt trừ tốt nhất:

Khi châu chấu (cào cào) trưởng thành phát sinh với mật độ cao trên diện rộng thì việc phun thuốc diệt trừ đòi hỏi phải làm đồng loạt, rất tốn công sức và chi phí.

Châu chấu hại lúa

Châu chấu non lưng vàng hại lúa

Tốt nhất nên theo dõi phát hiện châu chấu (cào cào) non xuất hiện vào đầu mùa mưa rồi dùng thuốc trừ ngay thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Diệt trừ theo phương châm: phát hiện ổ trứng nở đến đâu, phun diệt trừ đến đó để đỡ tốn kinh phí; phun trực tiếp lên ổ Châu chấu (cào cào) đang co cụm, chớm nở ở tuổi 1, tuổi 2 nhằm đạt hiệu quả cao.

Ngoài việc phun thuốc, nhiều nơi bà con có kinh nghiệm dùng hạt bắp xâu thành chuỗi nhúng vào dung dịch thuốc pha lẫn rỉ đường treo rải rác trong vườn để làm bả diệt châu chấu (cào cào), hiệu quả cũng khá tốt.

Nguồn: Tổng hợp