Bạn Nguyen Quoc Xuyen ở 303/18/12, Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú có hỏi:
Xin chỉ cho mình biết cách tính cân đối các nguyên liệu trong 100 kg NPK sản phẩm, Ví dụ NPK 16.16.8 – Tính toán như thế nào để ra 18kg đam ure, đạm SA 15kg và 16kg MAP… xin cảm ơn!
www.camnangcaytrong.com trả lời:
Rất cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến www.camnangcaytrong.com. Ở bài viết Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK: Phần 3 – Cách tính công thức chúng tôi đã trình bày cách tính công thức NPK 16.16.8 như sau:
Xem File Excel công thức tính hàm lượng phân hỗn hợp NPK 16.16.8
Đây là phương pháp tính toán công thức phân bón bằng phần mềm Excel (Microsoft Office), cách tính này có ưu điểm là: Dễ thay thế, điều chỉnh và cân đối lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất, tính toàn lượng kg theo mẻ hoặc định mức máy trộn (VD: 1.000kg có 150kg đạm SA/tương đương 3 bao)…
Ngoài ra có rất nhiều cách tính công thức khác nhau như: tính bằng phần mềm tính công thức phân bón, tính bằng cách tính nhẩm hoặc dùng máy tính tay… Nhưng tất cả các phương pháp tính công thức phân bón đều dựa trên nguyên lý và công thức sau:
∑DD = ∑ (mA x %DDhh)
Trong đó:
-
DD: Hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm (đơn vị: %, g/l, ppm, mg/kg). -
mA: Lượng nguyên liệu sử dụng (đơn vị: %, kg, gam, lit, ml) -
% DDhh: Hàm lượng dinh dưỡng hữu hiệu có trong nguyên liệu.
Câu hỏi của bạn là tìm mA (Lượng nguyên liệu sử dụng/VD: lượng cân Đạm Urea, lượng cân đạm SA, lượng cân MAP…).
Từ công thức trên ta suy ra: mA (nguyên liệu cần tìm) = [∑DD (tổng trong sản phẩm) – ∑DD (các nguyên liệu khác)]/%DDhh (nguyên liệu cần tìm)
– Như vậy chúng ta chỉ tính được lượng cân 1 loại nguyên liệu nếu biết được tất cả lượng cân của các loại nguyên liệu khác tham gia vào thành phần dinh dưỡng đó. VD: Chỉ tính được lượng cân Urea nếu đã biết được lượng cân DAP, lượng cân MAP.
– Còn nếu chúng ta sử dụng duy nhất 1 loại nguyên liệu để cung cấp thành phần đạm trong sản phẩm (VD: đạm Urea), thì cách tính sẽ cực kỳ đơn giản. Lượng cân Urea = 16/46% = 34,782kg.
– Tuy nhiên hầu hết các sản phẩm phân bón trên thị trường đều sử dụng rất nhiều các loại nguyên liệu để cung cấp thành phần đạm, lân hoặc kali. Vì vậy để tìm được lượng cân chính xác của 1 loại nguyên liệu trong rất nhiều các loại nguyên liệu tham gia trong thành phần thành phẩm phân bón là tương đối phức tạp đối với phương pháp tính nhẩm.
Giới thiệu một số mẹo tính công thức phân bón trong công nghệ sản xuất phân bón NPK.
Để tính toán được định mức vật tư sản xuất phân bón NPK đòi hỏi người tính phải nắm được các thông tin và kiến thức sau:
– Hiểu rõ về các loại nguyên liệu: Hàm lượng dinh dưỡng hữu hiệu trong nguyên liệu, tính chất hóa lý của nguyên liệu (độ pH, độ ẩm, nhiệt độ phân hủy…), kích cỡ, màu sắc của nguyên liệu…
– Hiểu rõ về công nghệ sản xuất phân bón: Công nghệ phân trộn đơn thuần, công nghệ tạo hạt thủ công, công nghệ tạo hạt hơi nước, công nghệ hóa lỏng Urea, công nghệ tháp cao, công nghệ ép nén…
– Hiểu rõ về phản ứng hóa lý trong quá trình bảo quản phân bón, thời gian bảo quản thành phẩm phân bón.
– Hiểu rõ về tác dụng của các yếu tố dinh dưỡng đối với sự phát triển của cây trồng.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ hướng dẫn cách tính công thức (hoặc tính lượng nguyên liệu sản phẩm) để sản xuất ra các loại phân bón dạng bột thông thường có trên thị trường.
Hướng dẫn cách tính công thức NPK 20.5.6
(Theo phương pháp tính nhẩm và kinh nghiệm trộn phân bón dạng bột).
Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu: Lựa chọn các loại nguyên liệu khô, tơi, các nguyên liệu không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, trong trường hợp này tôi lựa chọn: Đạm Urea, đạm SA, MAP, Kali Suphat, Cao lanh, bột tan.
Tác dụng và ưu nhược điểm của các loại nguyên liệu:
+ Đạm Urea tan cực nhanh, hàm lượng đạm cao (46%), nhược điểm, dễ bị chảy nước, phản ứng phân hủy khi độ ẩm cao và môi trường kiềm lớn.
+ Đạm SA tan nhanh, cung cấp đồng thời các hàm lượng đạm và lưu huỳnh cho cây trồng (21%N, 22%S), nhược điểm dễ phân hủy (bốc mùi sốc) trong môi trường kiềm, quy ra hàm lượng đạm thì thông thường đạm SA đắt hơn đạm Urea (VD: Đạm Urea giá 8000/46 = 173,9đ/1% N; đạm SA giá 4000/21 = 190đ/1%N).
+ MAP tan trung bình, hàm lượng cao, cung cấp đồng thời đạm và lân cho cây trồng (10%N, 50% P2O5hh), nhược điểm giá thành tương đối cao.
+ Kali Sunphat tan nhanh, cung cấp đồng thời Kali và lưu huỳnh cho cây trồng (50%K2O, 18%S), nhược điểm giá thành cao hơn Kali Clorua (Lưu ý: Dùng Kali Clorua với lượng nhiều một số cây trồng (đặc biệt là cây cà phê) sẽ xảy ra hiện tượng rụng quả non).
+ Phụ gia Cao lanh, bột tan (chống vón cục)…
+ Chúng ta có thể bổ sung thêm 1 số trung vi lượng cho sản phẩm: Tham khảo bài viết Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK: Phần 4 – Phân NPK+TE.
Bước 2: Tính công thức sản phẩm NPK 20.5.6
– Tính lượng cân của nguyên liệu Kali Sunphat để có 6% K2O: mK2SO4 = 6/50% = 12kg Kali Sunphat (như vậy chúng ta còn 88kg để phối trộn các loại nguyên liệu khác).
– Tính lượng cân của nguyên liệu MAP để có 5% P2O5: mMAP = 5/50% = 10kg MAP (như vậy chúng ta còn 78kg để phối trộn các loại nguyên liệu khác, hàm lượng đạm góp mặt trong MAP là 10kg x 10% = 1).
– Giả sử chúng ta sử dụng toàn bộ 78kg là đạm SA để phối trộn thì hàm lượng đạm = 78 x 21% + 1 (trong MAP) = 17,38 (Như vậy không đủ hàm lượng đạm), vì vậy chúng ta bắt buộc phải bớt hàm lượng đạm SA và sử dụng kết hợp đạm Urea và bổ sung 1 số phụ gia khác chống vón cục và trung vi lượng (nếu cần).
– Cố định lượng Urea cần dùng là 20kg thì hàm lượng đạm trong sản phẩm là N = 20 x 46% + 1 (trong MAP) = 10,2 (như vậy còn thiếu 9,8% lượng đạm theo công thức và còn 58kg để phối trộn các loại nguyên liệu khác).
– Từ lượng dinh dưỡng đạm còn thiếu chúng ta dễ dàng tính được lượng cân đạm SA còn lại: = 9,8/21% = 46,67kg Đạm SA.
– Như vậy chúng ta còn 11,33kg để trộn phụ gia, chất chống vón cục và trung, vi lượng nếu cần.
Vậy để trộn được loại phân bón NPK 20.5.6 chúng ta trộn sử dụng 46,67kg đạm SA, 20kg đạm Urea, 10kg MAP, 12kg Kali Sunphat, 11,33kg chất phụ gia và trung vi lượng.
Lưu ý: Để thuận tiện trong việc cân nguyên liệu và căn chỉnh giá thánh chúng ta có thể thay thế, thêm bớt các loại nguyên trong khoảng cho phép mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Một số mẹo và lưu ý khi tính công thức phân trộn
+ Tính lượng cân của các loại nguyên liệu mà chỉ nguyên liệu đó đóng góp hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm (VD: trong công thức này chỉ có Kali Sunphat là cung cấp hàm lượng Kali).
+ Tính lượng cân của các loại loại nguyên liệu cung cấp nhiều yếu tố dinh dưỡng tiếp theo (VD: MAP cung cấp 2 yếu tố dinh dưỡng là đạm và lân).
+ Tạm thời cố định 1 số loại nguyên liệu trong giới hạn cho phép (VD: cố định lượng đạm Urea và không quá 20%).
+ Nắm bắt giá thành nguyên liệu để tính công thức: Ưu tiên sử dụng nguyên liệu có giá rẻ.
+ Lựa chọn các loại nguyên liệu khô, ít đóng cục, ít chảy nước, sử dụng các chất chống đóng cục vào thành phần thành phẩm (nếu trộn để bón trực tiếp thì không cần chất chống đóng cục mà nên thay bằng đất mùn hữu cơ hoặc bã cà phê, bã mùn mía hoặc phân chuồng đã hoai mục).
+ Nếu là sản phẩm thương mại nên lựa chọn các loại nguyên liệu sáng màu, có thể bổ sung bột màu để tạo màu sắc đẹp mắt cho sản phẩm.
+ Lời khuyên: Nếu các bạn thành thạo phần mềm Excel, các bạn nên sử dụng phần mềm này để tính công thức phân bón.
Tương tự các tính như trên bạn Nguyen Quoc Xuyen và các bạn có thể tự tính nhẩm công thức NPK 16.16.8 – Chúc các bạn thành công!
Một số lưu ý khi tính công thức NPK 16.16.8 khi sử dụng các loại nguyên liệu là: Đạm Urea, đạm SA, DAP, MAP, Kali Sunphat: Tính lượng cân của Kali Sunphat trước, DAP và MAP có tính chất gần như nhau nên có thể dùng 1 trong 2 loại nguyên liệu (DAP chưa nghiền có dạng hạt, MAP có dạng bột, tùy thuộc vào mục đích phối trộn để lựa chọn nguyên liệu), cố định lượng Urea (15kg, 18kg hoặc 20kg), tính hàm lượng đạm SA và phụ gia sau cùng.
Bài viết không thể tránh khỏi những sai xót hoặc khó hiểu trong cách trình bày, rất mong nhận được ý kiến góp ý của bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!
Nguồn: Admin