Tên khoa học:
Leptocorisa varicormis Fabr., Leptocoría acuta Thunb
Họ: Coreidae
Bộ: Hemiptera
Triệu chứng gây hại của bọ xít dài
Bông lúa non bị bọ xít trích hút, hạt lúa bị hại lửng lép hoặc bạc trắng, giảm năng suất
Đặc điểm hình thái của bọ xít dài
– Trứng hình bầu dục, có vết lõm ở giữa, mới đẻ có màu trắng đục, sau chuyển dần màu nâu.
– Bọ xít non có hình dáng giống trưởng thành, có màu vàng lục.
– Con trưởng thành có màu xanh pha màu vàng nâu, con cái có thân dài hơn con đực. Con cái ở cuối đốt bụng thứ 7-8 chẻ đôi thành hai phiến, giữa có một đường xẻ dọc. Con đực cuối đốt bụng tròn tù. Đặc trưng của bọ xít dài có đầu dài, hai phiến của cạnh đầu nhô ra trước như dạng ngón tay. Mát kép hình bán cầu, màu nâu đậm. Râu đầu có 4 đốt, đốt râu thứ nhất dài hơn đốt râu thứ hai theo tỉ số 3:2, đốt râu thứ hai dài hơn độ dài đầu + mảnh lưng ngực trước. Mảnh lưng ngực trước phía trước hẹp hơn phía sau. Phần da cánh phía mép trước màu lục, các phần khác màu nâu hạt chè, phần màng của cánh màu nâu đậm. Cuối ngọn và gốc đốt chày chân sau màu đen.
Đặc điểm sinh học, sinh thái và gây hại của bọ xít dài
* Vòng đời bọ xít dài
khoảng 31,5-37 ngày
+ Giai đoạn trứng: 6-7 ngày.
+ Giai đoạn sâu non: 17-22 ngày.
+ Giai đoạn trưởng thành: 7-8 ngày.
* Đặc điểm sinh học và gây hại
Trứng đẻ thành ổ, từ 1-2 hàng dọc trên cả 2 mặt lá lúa (từ 10-15 quả). Đa số đẻ ở mặt trên và ngoài mép lá, có khi đẻ trên bẹ lá. Trứng nở vào buổi sáng. Bọ xít non mới nở sống tập trung quanh ổ trứng, nhưng chỉ sau 2-3 giờ là phân tán lên bông lúa để chích hút nhựa cây và sau 2-5 ngày lột các lần thứ nhất.
Con trưởng thành đẻ hoạt động giao phối vào ban ngày, nhất là lúc sáng sớm và chiều mát, buổi trưa nằm im. Một con cái đẻ trung bình từ 250-300 trứng, bọ xít trên lúa đẻ khoẻ hơn trên cỏ. Sau khi mưa, trời hửng nắng hoạt động mạnh. Cuối vụ mùa, trời mát hoạt động cả trưa và chiều. Bọ xít dài trưởng thành khi hút dịch ở bông lúa non nếu bị khua động thì rơi ngày xuống và lẩn trốn ngay lập tức. Bọ xít có tính hướng yếu đối với ánh sáng, thường bay vào đèn những đêm có mưa gió, con đực vào bẫy, bả nhiều hơn con cái. Bọ xít cũng ưa mùi hôi, tanh. Giai đoạn trưởng thành bọ xít dài qua đông ở trên cỏ ven rừng, trong vườn, ruộng có nhiều cỏ, thảm mục, ống tre, nứa trong rừng, rồi chuyển sang lúa chiêm xuân. Sau khi gặt lúa chiêm xuân, bọ xít lại chuyển sang các cây cỏ, lau sậy, mạ, lúa hè thu, lúa mùa.
Bọ xít non hay trưởng thành đều trích hút hạt lúa non làm cho hạt bị lép trắng, làm giảm phẩm chất và năng suất (có thể lên đến 50%).
Bọ xít thường gây hại nặng ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, quan trọng nhất là thời kỳ trỗ, bông lúa bị hại lửng lép hoặc bạc trắng, giảm năng suất. Ruộng lúa gần bìa rừng, gần ruộng rau màu và có nhiều cỏ dại thường bị hại nặng.
Biện pháp phòng trừ bọ xít dài
– Biện pháp canh tác, kỹ thuật:
+ Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ ở các bờ ruộng hoặc sơn bờ ruộng.
+ Tập trung cấy đúng thời vụ trên từng vùng rộng lớn để có kế hoạch theo dõi, tổ chức phòng trừ.
+ Có thể tổ chức đốt đuốc để bẫy bọ xít trưởng thành ra rộ, sử dụng các bó lá xoan ngâm nước giải một ngày, cắm lên các cọc bố trí quanh ruộng để tập trung tiêu diệt bọ xít…
– Biện pháp hóa học:
+ Sử dụng các loại thuốc hóa học lưu dẫn, có vị độc, tiếp xúc như Ofatox 400EC, Fastac 5EC…
Nguồn: Tổng hợp