Mồng tơi là loại rau dễ trồng và dễ chăm sóc ngay cả khi trồng trong nhà phố với không gian hạn chế như ban công, sân thượng… chúng đều có thể phát triển tốt và cho thu hoạch trong suốt mùa vụ. Quan trọng hơn, rau của nhà trồng được luôn đảm bảo độ tươi ngon, an toàn vệ sinh mà không lo có thuốc kích thích giống như rau được bày bán ngoài chợ.
Vì vậy, bài viết dưới đây Làm thợ sẽ hướng dẫn bạn cách trồng rau mồng tơi bằng hạt giống đơn giản ngay tại nhà.
Những gì bạn cần có:
– Hạt giống rau mồng tơi
– Khay, chậu, thùng xốp…
– Đất trồng
– Bay, cào làm đất tại nhà chuyên dụng (Mua tại đây)
– Bình tưới
– Phân trùn quế (Mua tại đây)
Các bước gieo hạt trồng rau mồng tơi đúng kỹ thuật
– Bước 1: Ngâm ủ hạt giống rau mồng tơi vào nước ấm theo tỷ lệ 1 nóng 3 lạnh để kết thúc quá trình ngủ đông, kích thích hạt nảy mầm đối với hạt có xuất xứ từ nước ngoài. Bởi do quá trình lưu chuyển và bảo quản lâu nên đã được xử lý hạt ngủ đông.
- Trong quá trình ngâm, hạt nào không chìm xuống đáy trong 15 phút bạn nên loại bỏ hạt rau mồng tơi đó ra, vì hạt rau mồng tơi đó không có chất lượng tốt.
- Bạn ngâm khoảng 10 đến 12 tiếng (thấy hạt rau mồng tơi nức ra lồi mầm ra là đã thành công). Còn hạt nào chưa nảy mầm thì bạn có thể loại bỏ, hoặc có thể tận dụng lại được.
Tuy nhiên, hạt có xuất xứ từ Việt Nam sau khi mua về có thể gieo trực tiếp lên đất mà không cần ngâm hay ủ vì rau mồng tơi rất dễ lên.
– Bước 2: Chuẩn bị vật liệu trồng. Dùng đất tơi xốp, pha nhiều cát, thông thoáng, khả năng thoát nước cao. Chuẩn bị khay, chậu, thùng xốp hay bất cứ thùng chứa nào có sẵn đều được; nhưng cần phải có lỗ thoát nước, miệng rộng, đáy sâu khoảng 12-15cm.
– Bước 3: Đổ đất vào đầy 2/3 chậu trồng rồi gieo hạt lên trên. Chú ý gieo mỗi hạt cách nhau ít nhất là 10 cm. Bởi khi lớn, lá mồng tơi sẽ vươn khá to và rộng. Sau đó, phủ lên trên một lớp đất mỏng 0.5 cm đủ để che phủ và giữ ẩm cho hạt. Tưới nước nhẹ để tạo độ ẩm cho đất.
– Bước 4: Tưới nước bằng bình tưới 2 lần/ ngày, sau 5-7 ngày hạt mồng tơi sẽ bắt đầu nảy mầm. Tiến hành làm giàn khi cây có độ cao khoảng 20 cm để cây leo lên.
– Bước 5: Đặt chậu trồng ở nơi nhiều nắng, không nên trồng rau ở nơi bị che hết ánh nắng vì cây rau sẽ vóng cao, thân ốm, lá nhỏ lại.
Cách chăm sóc sau khi trồng rau mồng tơi
- Mùa nắng, nên tưới đủ nước 2 lần/ ngày để duy trì đủ độ ẩm cho đất. Mùa mưa thì không nên tưới quá nhiều tránh để cây bị ngập úng.
- Phân hữu cơ nên trộn với phân lân bón lót, bón xong rồi cày đất hoặc bón theo luống. Trước lúc thu hoạch rau 7-10 ngày nên ngưng tưới phân đạm để lượng nitrat trong rau không quá cao.
- Kiểm tra cây thường xuyên để bắt sâu và ngắt bỏ lá vàng lá bệnh.
Thu hoạch
Sau một tháng là đã có thể thu hoạch rau mồng tơi. Khi thu hái nên dùng dao sắc cắt sát gốc cách đất 5 – 10cm. Sau khi hái lần 1 thì 12 – 15 ngày sau sẽ thu được một lứa tiếp. Nên hái rau mồng tơi vào sáng sớm, thu hoạch khi trời nắng nóng rau dễ bị héo, ôi,…
Mẹo nhỏ giúp cây ăn lá được lâu đó là thường xuyên ngắt ngọn và lá già. Cách làm này sẽ kích thích cây đẻ nhiều nhánh và mọc nhiều lá.
Xem thêm