Quy trình xử lý vỏ cà phê làm phân bón cho cây trồng



Tóm tắt quy trình ủ vỏ cà phê làm phân bón cho cây trồng


Tóm tắt quy trình ủ vỏ cà phê làm phân bón cho cây trồng


1. Nguyên vật liệu


– Vỏ quả cà phê khô: 1.000 kg


– Men vi sinh: 1 kg


–  Rỉ mật (hoặc đường đen): 1 kg


– Phân chuồng: 100 kg


– Phân đạm urê: 10 kg


– Phân lân Văn Điển: 25 kg


– Vôi bột: 10 kg                                            


2. Dụng cụ


Các dụng cụ cần để ủ vỏ và phê làm phân bón bao gồm:


– Dụng cụ để đảo, vun, tưới đống ủ: cuốc, xẻng, cào, ống nước (để dẫn nước từ nguồn nước đến đống ủ vỏ cà phê).


– Dụng cụ để hoạt hóa men: thùng phi chứa nước, thùng roa


– Dụng cụ che tủ đống ủ: Bạt để che đống ủ


3.  Hoạt hóa men


Hòa tan 1 kg men vi sinh + 1 kg rỉ mật (hoặc đường đen) trong 50 lít nước sạch. Khuấy đều liên tục. Việc hoạt hóa men cần tiến hành trước khi tưới vào đống ủ vỏ cà phê 2 – 3 giờ.


4. Trộn nguyên liệu và ủ


– Vỏ cà phê được trải đều trên mặt đất một lớp khoảng 40 cm, tưới nước và đảo trộn đều cho đủ ẩm (đạt độ ẩm 50 – 60 %) (Bước 1).


– Rải các nguyên liệu lên vỏ cà phê đã được chuẩn bị ở bước 1 theo thứ tự như sau: phân chuồng, phân đạm Urê, phân lân Văn Điển, vôi. Tiến hành đảo trộn và tưới nước để nguyên liệu được trộn đều và đủ ẩm (đạt độ ẩm 55 – 60 %). Lượng nước tưới ở bước 1 và 2 khoảng 700 lít/ 1 tấn vỏ cà phê. Tránh tưới quá nhiều nước sẽ làm phân hữu cơ, vô cơ và vôi bị rửa trôi hoặc chảy tràn trên mặt đất (Bước 2).


– Tiến hành cào và ban lớp nguyên liệu được chuẩn bị ở bước 2 có chiều cao khoảng 20 cm; chiều rộng 2,0 – 2,5 m; chiều dài tùy thuộc vào khối lượng đống ủ. Khuấy đều men đã được hoạt hóa (đã chuẩn bị ở bước 2), dùng thùng roa múc và tưới men vào nguyên liệu, đảo trộn đều (Bước 3).

Có thể bạn quan tâm :   Mười nguyên tắc đảm bảo cho sử dụng phân bón hợp lý


– Vun đống ủ có kích thước như sau: chiều cao (0,9 – 1,2 m) x chiều rộng  (2,5 – 3,0 m) x chiều dài luống (tùy theo khối lượng đống ủ) (Bước 4).


– Dùng các vật liệu như rơm rạ, thân cây phân xanh, đậu đỗ, bắp… tủ lên đống ủ một lớp dày khoảng 10 cm. Tưới sơ một ít nước lên đống ủ. Dùng bạt tủ đống ủ để giữ ẩm độ và nhiệt độ. Phải dùng các vật liệu để chặn bạt, tránh bị gió tốc bạt (Bước 5).


– Sau 3 – 4 tuần ủ, kiểm tra đống ủ, nếu thấy khô thì tiến hành tưới nước và  đảo trộn lần 2 cho đều (Bước 6).


– Tiếp tục đậy bạt lên đống ủ để giữ ẩm độ và nhiệt độ khoảng 2 tháng. Chú ý kiểm tra đống ủ, nếu thấy khô phải bổ sung nước đủ ẩm để vi sinh vật hoạt động tốt thì vỏ cà phê mới mau hoai mục (Bước 7).


– Kiểm tra đống ủ thấy vỏ cà phê vỏ cà phê đã hoai mục (vỏ cà phê mềm và nát) thì tiến hành đem bón cho cây trồng (sau khoảng 3 tháng ủ vỏ cà phê). Nếu chưa sử dụng thì đóng bao và bảo quản trong mát để bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng của phân vỏ cà phê (Bước 8).

Nguồn: wasi.org.vn