Hướng dẫn thực hành sử dụng phân kali



GS Võ Minh Kha, Hướng dẫn thực hành sử dụng phân bón, NXB Nông nghiệp, Hà Nội,1996.


Cẩm nang phân kali: Phần 2: Hướng dẫn thực hành sử dụng phân kali


1. Đất chứa một lượng kali dự trữ rất lớn.


Chỉ riêng trong lớp đất mặn đã có 6 – 12 tấn K2O. Đó là kho dự trữ kali chuyển dần ra để cung cấp cho cây. Phần lớn kali trong đất này không ở dạng hòa tan hay dễ tiêu, cây trồng có thể sử dụng được. Chỉ khoảng 5 – 10 kg K2O / ha hòa tan trong dung dịch đất và khoảng gấp 10 lần như vậy được hấp thụ trên bề mặt keo đất có thể trao đổi với kali trong dung dịch cung cấp cho cây. Tuy nhiên giữa kali trong dung dịch đất, kali trao đổi và kali bị giữ ở trong đất cây không sử dụng được, có cân bằng động, nghĩa là khi cây hút phần dễ tiêu thì phần dự trữ được chuyển ra cung cấp cho cây. Vì vậy nếu một năm trồng một vụ cây ngắn ngày với năng suất không cao lắm hoặc với cây trồng lâu năm có bộ rễ ăn sâu khai thác kali ở các tầng sâu, nhu cầu bón kali thường không thể hiện rõ và cấp bách như nhu cầu bón N và lân. Kali là yếu tố cây cần thứ ba sau đạm và lân.


Trừ trường hợp trồng cây trên các cồn cát trắng ven biển, ít khi chúng ta thấy vì không bón kali mà cây trồng không mọc được, nhưng những trường hợp vì không cung cấp đầy đủ kali mà năng suất cây trồng giảm lại rất phổ biến.


Năng suất cây trồng càng cao, trồng nhiều vụ trong năm, số lượng kali bị cây trồng lấy đi nhiều, thời gian để kali trong đất có thể hồi phục lại ngắn làm cho càng ngày người ta càng thấy cần bón kali. Các kết quả điều tra tình hình sử dụng phân bón ở đất phù sa sông Hồng, đất phù sa sông Thái Bình, đất bạc màu, đất cát ven biển miền Trung, đất phù sa sông Cửu long cho thấy sử dụng N P K chưa được hợp lý. Phân lân trong những năm gần đây đã được chú ý, còn kali thì ít sử dụng. Trên phù sa sông Hồng tỷ lệ N –  P – K bón cho lúa là 1 – 0,35 – 0,03, trên đất phù sa sông Thái Bình là: 1 – 0,4 – 0,03 và trên đất phù sa sông Cửu long là 1 – 0,61 – 0,01. Hiện tượng trên cũng có thể là do đất phù sa ở những con sông này dự trữ kali khá cao. Hiệu quả kali ở mức năng suất hiện nay < 10 tấn 2 vụ 1 năm chưa rõ lắm, chưa hấp dẫn nông dân sử dụng nhiều kali, nhưng sau nhiều năm khai thác và muốn nâng cao năng suất hơn nữa sẽ lộ ra nhu cầu bón kali. Trên vùng đất cát ven biển, nông dân đã chú ý dùng kali nhiều hơn. Tỷ lệ N – P – K được bón trên đất bạc màu là 1 – 0,24 – 0,16 và trên vùng đất cát ven biển là 1 – 0,43 – 0,18.


Cần chú ý bón phân kali cho cây trồng nước ta là vấn đề không cần phải bàn cãi nhiều.


Trong tình hình vốn đầu tư vào phân hóa học còn hạn chế, vấn đề đặt ra là đất nào và cây nào nên đầu tư trước tiên và nên sử dụng như thế nào cho có hiệu quả nhất.


Đối với phân đạm, vấn đề khá rõ ràng. Dự trữ đạm có khả năng cung cấp cho đất trồng thấp so với nhu cầu bón phân đạm của cây. Sự chênh lệch giữa các loại đất không đáng để ý tới. Lượng đạm cần bón quyết định ở nhu cầu cây trồng.


Đối với lân vấn đề cũng không quá phức tạp. Dự trữ lân trong đất có khả năng đáp ứng một phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu lân của cây nếu năng suất không cao lắm và đất có hàm lượng lân dễ tiêu cao. Lượng bón lân cũng chủ yếu là để đảm bảo nhu cầu hàng vụ…


Nhu cầu bón kali sẽ đặt ra theo:


– Cây trồng và năng suất dự định thu hoạch.


– Tính  chất đất.


– Tập quán sử dụng phân chuồng và vùi trả lại rơm rạ của từng địa phương.


2. Cây hút nhiều kali hơn đạm và lân.


Số lượng kali cây hút thay đổi theo loại cây. Có thể phân loại các cây trồng theo lượng kali cây hút:


– Cây hút rất nhiều kali, số lượng hút hàng năm (hay vụ) 200kg K2O / ha: cây dứa, cây chuối, cây dừa, cây cam, cây chanh, cọ dầu, cọ lấy lá, cây mía, sắn, khoai lang, bông, đay, gai, cói, thuốc lá, cỏ dùng cho gia súc, cây khoai tây.


– Câu hút kali vào loại trung bình 100 – 200 kg K2O/ha/năm: cây lúa, cây ngô, kê, cây lạc, cây đậu, đỗ, cây cà phê, cao su, điều, ca cao.


– Cây hút kali thấp: Các loại rau ăn lá, đậu, rau, chè.


Như vậy chu cầu bón kali tùy theo từng loại cây.


Sự chênh lệch về lượng kali cây lấy đi trong sản phẩm làm cho cùng trồng trọt trên 1 loại đất mà có cây cần bón rất nhiều kali, có cây cần bón ít hay có cây không cần bón kali. Trên chân đất trồng lúa màu có khi có vụ lúa chưa cần bón kali nhưng vụ màu trồng ngô, khoai tây, khoai lang lại cần bón. Ở các hệ canh tác lúa màu, kali bón cho vụ màu, còn vụ lúa sẽ thừa hưởng phần tồn dư. Trên đất đồi trồng chè, trồng dứa và sắn, nhu cầu bón kali cao.


3. Hàm lượng kali trong các loại đất rất khác nhau.


Tỷ lệ kali và khả năng cung cấp kali cho cây của đất thay đổi theo loại đá mẹ hình thành ra đất, đất nặng hay nhẹ, đất dốc hay bằng phẳng, độc hua cao hay thấp, vùng mưa nhiều hay ít.


Ở vùng nhiệt đới mưa nhiều, đất phong hóa mạnh, các khoáng nguyên sinh đều phân rã gần hết đất thường nghèo kali hơn các vùng ôn đới. Đất hình thành trên đá phiến giàu kali hơn đất hình thành trên đá cát, đất mới khai hoang giàu kali hơn đất trồng trọt lâu đời, đất sét giàu kali hơn đất cát, đất chua nghèo kali hơn đất kiềm, đất địa hình cao, dốc nghèo kali hơn đất ở nơi bằng phẳng, trũng. Những nơi có nước mặn xâm nhập thường có kali cao.


Nhu cầu bón kali thay đổi theo loại đất. Thường để đoán định sơ bộ nhu cầu bón kali ở các loại đất khác nhau có thể dựa vào các nhận xét nói trên. Để chắc chắn hơn thường dựa vào phân tích đất. Phân tích kali trao đổi (rút bằng dung dịch NaCl hay axetat amon) trong đất chỉ cho biết nhu cầu tức khắc thường giúp cho nhận định nhu cầu bón kali cho cây ngắn ngày trong một vụ nhất định. Xác định nhu cầu bón kali cho cả hệ canh tác nhiều cây ngắn ngày trong chu kỳ một năm hay nhiều năm, dựa vào phân tích kali tổng số có lẽ chính xác hơn.


Ở vùng nhiệt đới, phong hóa mạnh, kali trong khoáng nguyên sinh không có nhiều, xác định nhu cầu bón kali cho cây dựa theo hàm lượng kali tổng số càng có nhiều khả năng phù hợp với thực tế.


Có thể phân các loại đất Việt Nam hiện nay thành các nhóm có nhu cầu kali cao thấp khác nhau như sau:


3.1. Đất rất cần chú ý bón kali.


– Đất cát biển và đất cát sông.


– Đất xám bạc màu bao gồm cả 3 loại đất: đất xám bạc màu trên phù sa cũ, đất xám bạc màu glây trên phù sa cũ, đất xám bạc màu trên sản phẩm phá hủy của đá macma axit và đá cát. Trong đó đất xám bạc màu glây trên phù sa cũ do sự cung cấp tự nhiên bằng nước tưới va nước mặt hoặc sự cung cấp tự nhiên của kali trong nước ngầm, nhu cầu bón kali có thấp hơn hai loại kia.


– Đất xám nâu vùng bán khô hạn và đất potzon.


– Đất xói mòn trơ sỏi đá (núi và đồi).


3.2. Đất có nhu cầu bón kali.


– Đất phù sa: bao gồm đất phù sa hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long và hệ các con sông khác. Thông thường đất phù sa hệ các con sông khác ở các tỉnh miền Trung có nhu cầu bón kali cao hơn vì thành phần cơ giới nhẹ hơn và xuất phát từ các vùng đá mẹ nghèo kali và gần nguồn hơn.


Trong các loại đất phù sa của một con sông đất phù sa trong đê không được bồi hàng năm nhu cầu bón kali cao hơn trong đất phù sa ngoài đê được bồi hàng năm. Cũng là phù sa của một lưu vực con sông, đất địa hình cao cần kali nhiều hơn, đất nhẹ cần kali hơn.


– Đất đỏ vàng. Trên đất đỏ vàng nhu cầu bón kali thay đổi theo đá mẹ. Các loại đất vàng nhạt trên đá cát, đất đỏ nâu trên đá vôi nhu cầu bón kali cao hơn cả. Thứ đến đất nâu trên phù sa cổ, đất nâu tím trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính. Các loại đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, đất vàng đỏ trên macma axit có nhu cầu bón kali thấp hơn.


3.3. Đất có nhu cầu bón kali thấp hoặc chưa cần bón:


các loại đất mặn (đất mặn sú vẹt đước, đất mặn và đất mặn kiềm). Các loại phèn (phèn nhiều, phèn ít, phèn trung bình). Các loại đất lầy, đất than bùn, đất đen, đất mùn trên núi cao, đất mùn vàng đỏ trên núi cao tuy xếp vào nhóm này nhưng khi muốn trồng năng suất cao vẫn cần bón kali.


Trong cùng loại đất, địa hình tương đối của khu đất và độ dốc có liên quan rất chặt chẽ với nhu cầu cần bón kali. Đất bằng đặc biệt đất bằng địa hình thấp (chân vàn và vàn trũng nhu cầu bón kali thấp hơn). Đất trồng lúa, ít bị rửa trôi trong vụ mùa nhu cầu bón kali sẽ thấp hơn đất trồng toàn màu.


4. Lượng kali cây hút thay đổi theo năng suất.


Năng suất càng cao thì lượng kali cây hút càng nhiều. Số lượng kali cây hút không đơn thuần tỷ lệ thuận với năng suất. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ràng khi trong đất có nhiều kali thì cây sẽ hút kali nhiều hơn nhu cầu thực của nó. Đó là hiện tượng hút thừa kali. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng cây trồng ở ruộng năng suất cao hơn thường có tỷ lệ kali cao hơn ruộng năng suất thấp. Cho nên do cả hai mặt năng suất và sinh khối tăng lên đồng thời tỷ lệ kali trong cây tăng lên nên mức tăng lượng bón kali cần cao hơn mức năng suất tăng lên. Muốn có năng suất cao cần bón nhiều phân kali.


Sau một vụ trồng nhất là vụ trồng năng suất cao, kali dễ bị tiêu bị cây hút không còn nhiều trong đất, phải sau một thời gian dài cày bừa xới xáo để cho đất nghỉ thì kali dễ tiêu mới hồi phục lại. Trong thời gian không trồng trọt nếu để đất nguyên trạng tốc độ kali phục hồi chậm hơn. Cày, phơi ải, xếp ải, bừa xới xáo đất, nhiều lần làm cho kali hồi phục nhanh hơn.


5. Trong quá trình trồng trọt, do bị cây hút và đất chưa kịp hồi phục nên lượng kali dễ tiêu trong đất trồng ở các thời kỳ sau thấp hơn thời kỳ trước, cây trồng ngắn ngày thường biểu hiện thiếu kali ở các thời kỳ cuối.


Trồng lúa trên các loại đất có hàm lượng kali giàu bón kali nuôi đòng có tác dụng tăng năng suất là vì lý do trên. Trồng khoai lang bón thúc thêm phân kali vào đợt vun cao khi khoai hình thành củ cũng có tác dụng tăng năng suất. Dầu đất giàu kali vẫn cần bón thúc kali cho cây ngắn ngày.


6. Kali có nhiều trong thân lá rễ, củ và có ít trong hạt.


Ví vụ với năng suất 8 t/ha lượng kali trong hạt là 62kg K2O/ha và trong rơm rạ là 309 kg K2O/ha. Trong hạt ngô tỷ lệ K2O là 0,4 – 0,5% còn trong thân lá ngô tỷ lệ K2O là 1,2 – 1,5%, trong củ khoai tây tỷ lệ K2O là 2,0 – 3,5% còn trong thân lá 1,6 – 4,7%; trong lá cây thuốc lá lượng K2O là 3,0 – 6,0%. Các loại cây lấy thân lấy củ, số lượng kali lấy đi trong sản phẩm thu hoạch cao hơn cây lấy hạt, vì vậy cần được trả lại nhiều hơn. Cần đảm bảo trả lại đủ kali lấy đi trong sản phẩm thu hoạch các hệ cây trồng mà sản phẩm thu hoạch từ thân lá củ, buồng.


Các loại cây dài ngày họ cau dừa như dừa, cau, thốt nốt, cọ dầu, cọ lấy lá, chà là…vv, rễ ăn nông, rễ hút chất dinh dưỡng ở sát ngay mặt đất, không khai thác được lượng kali ở các tầng đất sâu như các loại cây khác được bón kali nhiều hơn. Kali bón cho các loại cây này nên bón ngay vào gốc cây trên mặt đất để kali chuyển dần xuống hoặc cho vào túi treo trên ngọn như bóp muối.


Nông dân ta có tập quán cày vặn ra, cày vùi thân lá cây trồng trong đất. Phần lớn kali cây hút trong thân lá rễ. Nếu vùi lại thân lá rễ vào đất thì có thể giảm được nhiều kali cần bón.


Phần lớn kali trong cỏ, thức ăn gia súc, được bài tiết qua phân và nước tiểu gia súc. Sử dụng phân và nước tiểu gia súc làm phân bón, vùi lại thân lá rễ cây là cách trả lại kali cho đồng ruộng dễ dàng và kinh tế nhất.


Trong hoàn cảnh thiếu nhiên liệu, chất đốt chủ yếu của nông dân là rơm rạ, thân lá khô cây trồng. Tro còn lại chứa gần như toàn bộ lượng kali có trong các phế thải nông nghiệp dùng làm chất đốt. Vùi lại thân lá rễ, bón phân chuồng, bón tro thì số lượng kali thiếu hụt giảm đi nhiều và nhờ đó giảm lượng kali cần bón.


7. Kali là yếu tố làm tăng sức đề kháng của cây.


Người ta không tìm thấy kali ở bất cứ thành phần hợp chất nào của cây. Nó không phải là yếu tố cấu tạo. Vai trò của nó là xúc tiến các quá trình trao đổi chất trong cây thông qua ảnh hưởng đến hoạt động của các men, thông qua ảnh hưởng đến quá trình quang hợp mà xúc tiến sự hình thành các gluxit và hydrat cacbon trong lá và sự vận chuyển các chất vào cơ quan dự trữ.


Kali đặc biệt cần cho cây lấy đường (mía) độ ngọt của quả, đặc biệt cần cho cây lấy bột (khoai lang, khoai tây, sắn). Kali xúc tiến sự hình thành xenlulo linhin nhờ đó làm cho sợi dài và bền. Kali cần cho cây lấy sợi (bông, đay, gai, dâu tằm, dứa và dứa sợi).

Có thể bạn quan tâm :   SD phân bón an toàn


Nhờ sự hình thành xenlulo và linhin, kali làm cho các mô chống đỡ cây dày và vững chắc. Nhờ đó giảm bị đổ khi hút thừa đạm đồng thời chống sự xâm nhập của các loài nấm bệnh, vi khuẩn, siêu vi khuẩn và sâu hại. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cây họ hòa thảo: lúa mì, ngô, cao lương, kê.


Có mối quan hệ chặt chẽ giữa hàm lượng kali trong cây với hiệu suất sử dụng năng lượng ánh sáng. Cây ở vùng có độ chiếu sáng cao hút kali ít hơn ở vùng có cường độ chiếu sáng thấp. Hiện tượng này giúp chúng ta lý giải vì sao những năm trời âm u, thời gian chiếu sáng ngắn và cường độ ánh sáng thấp cần được bón nhiều kali hơn.


Kali còn tham gia vào sự hình thành protit. Cơ chế của hiện tượng này chưa rõ. Nhưng người ta còn thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa sự hút đạm và kali. Muốn cho cây trồng sử dụng đạm và kali tốt thì hai yếu tố này phải được cung cấp cân đối. Người ta cũng nhận xét ảnh hưởng của kali đến lượng protein trong hạt đậu, lạc.


Nồng độ kali cao trong không bào làm giảm sự thoát hơi nước của cây, do đó cây sử dụng tiết kiệm nước giúp cho cây chống hạn tốt.


Nhiệt độ thấp làm do dịch tế bảo đông lại, các phản ứng hóa học vì thế mà bị ngừng trệ. Nếu nhiều kali dịch tế bào sẽ chậm đông, nhờ đó kali giúp cho cây chống rét. Bón kali cho mạ đông xuân, bón kali cho cây lâu năm trước mùa đông là những biện pháp giúp cây chống rét tốt.


Kali làm giảm cường độ hô hấp, giảm sự tiêu hao chất hữu cơ do sự hô hấp quá mạnh do đó giúp cây chống nóng tốt.


Sự tạo thành hydrat cacbon, tiêu thụ lượng nitrat và lượng amon được hút vào để tạo thành protit làm cho khi bón đạm quá lượng trong cây không tích lũy amon và nitrat thừa gây độc cho cây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Kali là yếu tố tăng cường sức đề kháng của cây đối với điều kiện ngoại cảnh.


Đối với cây hòa thảo, kali làm tăng số dảnh dẻ, làm lá cây đứng, và tăng độ dài bông. Đối với cây lá rộng, kali làm cây phân cành sớm và tăng số cành.


8. Kali còn là yếu tố đảm bảo cho chất lượng sản phẩm.


Kali làm cho đậu, lạc giàu protit và chất béo, tăng sự chuyển đường gluco thành đường xacaro làm cho mật mía dễ kết tinh đường, tăng độ nhạy cháy của thuốc lào, thuốc lá, có trong thành phần dịch bào cây ăn quả có múi như cam chanh làm tăng sự bổ dưỡng, làm tăng caroten trong rau…vv


Một quy luật phổ biến là khi năng suất cây trồng tăng lên thường kéo theo sức đề kháng với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, và sức đề kháng với sâu bệnh giảm xuống, chất lượng sản phẩm giảm xuống. Hiện tượng này cần được khắc phục bằng cách bón cân đối giữa các yếu tố.


Mặt khác bón nhiều kali dễ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.


Hiện tượng được nói đến nhiều là ở các nước chăn nuôi đồng cỏ phát triển. Trong thành phần cỏ chăn nuôi có nhiều kali. Trên đồng cỏ chăn thả thường được bón 50 – 70 kg K2O/ha/năm, trên đồng có cắt lượng ka li bón hàng năm lên đến 100 – 140 kg K2O/ha/năm. Số lượng còn cao hơn ở các vùng thâm canh. Bón kali cao trong nhiều năm làm cho lượng kali trong cỏ tăng lên và lượng magie, natri trong cỏ giảm xuống. Từ đó sinh ra bệnh cho bò được gọi là bệnh văn minh, bệnh uốn ván do cỏ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi bón nhiều kali hàm lượng kali trong cỏ tăng lên và lượng magie, natri trong cỏ giảm xuống. Khi bón ít kali thì lượng caroten trong cà rốt cỏ Ý và bắp cải giảm xuống. Bò ăn cỏ bón nhiều kali thì lượng magie trông huyết thanh giảm. Khi magie giảm đến mức nào đó thì xuất hiện hiện tượng uốn ván do cỏ.


Bón kali nhiều và liên tục cho dứa cũng gây hiện tượng phát triển không bình thường của dứa. Đất các vùng đồi trồng dứa nghèo kali. Có bón kali mới cho được năng suất. Các nông trồng trồng dứa các tỉnh phía Bắc do đó bón rất nhiều kali 100 – 180 kg K2O cho một vụ trồng dứa, trên đất đồi thoái hóa. Sau nhiều năm bón liên tiếp đã gây ra bệnh thối nõn dứa, hàm lượng đường trong quả thấp, dứa chua do thiếu magie và canxi. Hiện tượng hồng xiêm nhiều sạn phổ biến ở các vùng đất giàu kali hơn các vùng đất nghèo kali.


9. Nhu cầu bón kali duy trì từng vụ và dự trữ


Đối với các loại đất hiện đó đang có lượng kali dự trữ khá, bón kali thường không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, câu hỏi thường được đặt ra là có nên bón thường xuyên một lượng kali nhất định bù lại số lượng lấy đi trong sản phẩm thu hoạch hàng năm để duy trì độ phí về kali của đất hay không? Trả lời câu hỏi này có hai ý kiến khác nhau:


Căn cứ trên các thí nghiệm so sánh hiệu quả của kali mới bón vào và kali có sẵn trong đất, cho thấy cây trồng thường ưu tiên hút kali có sẵn trong đất, người ta cho rằng cần duy trì độ phì về kali ở trong đất cao, không những cần bón để bù lại số lượng mất đi mà còn nên bón để làm cho đất có dự trữ kali cao. Quan điểm này còn được củng cố thêm bằng các thí nghiệm về sự tạo thành các khoáng vật có chứa kali thứ sinh. Các thí nghiệm này cho thấy kali trong khoáng nguyên sinh phân hủy ra có thể tham gia quá trình tổng hợp lại thành các khoáng thứ sinh (hydromica, vermiculit, clorit) được giữ lại trong đất, không dễ bị mất đi như N hoặc chuyển thành dạng cây khó sử dụng và không chuyển ngược trở lại được như P.


Một ý kiến khác cho rằng không hoàn toàn như vậy. Một số loại đất giàu kali, thậm chí quá giàu so với nhu cầu cung cấp kali cho cây. Giai đoạn đầu khi mới khai phá, đất thường rất giàu kali. Tuy không phát hiện hiện tượng thừa kali đến mức gây hại nhưng hiện tượng hút thừa trong sản phẩm và tàn dư thực vật làm cho sử dụng kali lãng phí là hiện tượng phổ biến. Bón kali cho đất trong những trường hợp này xúc tiến sự hút thừa.


Trong đất có hiện tượng cân bằng kali, kali dạng hòa tan trong dung dịch đất tăng lên do bón thêm phân hoặc do khoáng nguyên sinh phong hóa ra, thì kali sẽ được chuyển từ dạng hòa tan trong dung dịch thành dạng bị hấp phụ trên keo đất trao đổi lại được rồi dần dần chuyển thành dạng hấp phụ không trao đổi được. Trái lại, khi kali tỏng dung dịch bị cây hút, hoặc bị rửa trôi kali trong phức hệ hấp thụ sẽ được chuyển từ dạng không trao đổi được thành dạng trao đổi được và dạng hòa tan trong dung dịch đất.


Kali hấp phụ không -> Kali hấp phụ trao -> Kali hòa tan


đổi lại được <- đổi lại được <- trong dung dịch.


Ở những vùng mưa nhiều, kali trong dung dịch liên tục và mạnh mẽ bị rửa trôi đi, các khoáng nguyên sinh và thứ sinh phong hóa giải phóng kali được chừng nào sẽ bị rửa trôi đi chừng nấy. Do đó không những kali bón vào không được giữ và còn đẩy các cation khác, như NH+, Ca, Magie, Natri ra khỏi dung dịch đất làm cho các ion này cũng bị rửa trôi đi. Dữ trữ K trong phức hệ hấp thụ cao thì càng dễ chuyển các chất ra ngoài và mất đi. Do đó người ta cho rằng chỉ nên duy trì một lượng kali dự trữ vừa phải trong đất. Lượng này tùy thuộc khả năng giữ phân của đất và lượng mưa gây rửa trôi. Nếu đất có quá nhiều kali thì không cần bón bổ sung số lượng cây hút hàng năm để cho dữ trữ kali giảm đến mức thích hợp cho đến khi có thể gây ảnh hưởng đến năng suất, mới cần bón duy trì. Nếu đất quá nghèo, việc bón dự trữ kali trong đất cũng không nên vượt quá mức.


Hai quan niệm khác nhau này rõ ràng thể hiện các nhà nghiên cứu đã rút ra các kết luận theo điều mình đã thấy trên các thí nghiệm cụ thể. Ý kiến đầu tiên thường được thấy ở các nhà nghiên cứu vùng ôn đới và vùng nhiệt đới khô hạn mà ở đây các khoáng vật nguyên sinh chưa phong hóa  nhiều và lượng mưa gây rửa trôi thấp, có khả năng tạo ra dữ trữ kali cao. Ý kiến sau thường là của các nhà nghiên cứu vùng nhiệt đới mưa nhiều.


Quan điểm thứ 2 có lẽ phù hợp với điều kiện nước ta hơn. Khi hàm lượng kali trong đất giảm đến mức gây ảnh hưởng đến năng suất cần bón hàng vụ một lượng kali bù lại sự mất đi trong các sản phẩm thu hoạch và do các nguyên nhân khác là cách làm thích hợp. Bón kali để tăng dự trữ kali trong đất kể cả về mặt khoa học và kinh tế đều không có lợi.


Trên các loại đất thoái hóa, bạc màu, đất có hàm lượng hữu cơ thấp, nhẹ, ít sẽ thường có lượng kali trong đất quá thấp so với yêu cầu. Đối với loại đất này nên bón cải tạo độ phì về kali trong đất sau đó hàng vụ bón trả lại phần mất đi của các vụ gieo trồng đó.


Cần lưu ý thêm ở các vùng nhiệt đới mưa nhiều, các cation bị kali đẩy ra khỏi phức hệ hấp thu như canxi, magie sẽ bị rửa trôi. Bón nhiều kali vì vậy dẫn đến đất bị chua, nghèo canxi và magie.


Có thể tóm tắt như sau về kỹ thuật sử dụng phân kali trên các lại đất có dữ trữ về kali khác nhau:


1. Trên đất có hàm lượng kali tổng số > 0,30% K2O, tức là đất có lượng kali dự trữ khá có khả năng cung cấp đủ kali cho vụ gieo trồng với năng suất bình thường:


* Số lượng bón chỉ cần đảm bảo bù được xấp xỉ số lượng bị mất đi. Có thể ước tính số lượng mất đi do nước tiêu và nước mưa 0 – 5 kg K2O/ha ở đất sét, 10 – 15 kg K2O/ha ở đất thịt, 15 – 20 kg K2O/ha trên đất thịt nhẹ và cát pha, 30 – 40 kg K2/ha trên đất cát.


* Trên đất dốc, tùy theo độ dốc lượng kali bị mất đi do hiện tượng bào mòn thường lớn hơn rất nhiều số lượng bị rửa trôi.


* Số lượng kali bị lấy đi trong sản phẩm thu hoạch cần tùy thuộc sản lượng và tập quán mà trả lại tàn dư thực vật cho các vụ sau:


2. Trên đất có hàm lượng kali trung bình 0,2 – 0,3% K2O tổng số, thì nên bón thêm một lượng kali nhất định cao hơn lượng lấy đi hàng năm từ 20 – 30% để nâng dần dự trữ lên đến 0,3% K2O tổng.


3. Trên đất nghèo kali, hàm lượng < 0,2% cần bón nhiều kali hơn để trong thời gian 2,3 vụ đưa được lượng kali tổng số lên 0,3%. Trường hợp này là bón cải tạo kali, đối với loại đất này không những chỉ thiếu kali mà thường còn thiếu magie, canxi, natri và một số các cation khác. Các loại quặng có chứa kali khai thác trực tiếp làm phân bón không qua chế biến, các loại khoáng vật có chứa kali không hòa tan sẽ rất thích hợp vì giá thành rẻ có thể bón với lượng cao, bổ sung các yếu tố khác ngoài kali và không gây sự mất cấp thời các yếu tố khác do bón nhiều kali một lúc.


10. Phân chuồng, phân hữu cơ và vấn đề bón phân kali.


Trong các tàn dư thực vật, phân chuồng, nước giải gia súc có chứa một lượng kali đáng kể. Mười tấn phân chuồng tương đương 50 – 60kg K2O.


Trên ruộng lúa, năng suất 6 tấn/ha số lượng kali lấy đi trong hạt thóc khoảng 40 – 50kg K2O. Nếu đảm bảo vùi trả lại rơm rạ và bón 10 tấn phân chuồng thì sự thâm hụt về kali không lớn.


11. Kỹ thuật sử dụng phân kali


Trừ trường hợp đất cát dung tích hấp thu rất yếu, phân kali cũng như phân đạm cần được bón nhiều lần để tránh rửa trôi và tránh làm cho nồng độ dung dịch đất tăng lên quá cao là xót  rễ, còn trên các loại đất khác phân kali thường được dùng bón lót vào đầu vụ để nâng dự trữ của đất.


* Đối với ruộng trồng nhiều vụ cây ngắn ngày: xác định thời kỳ bón phân kali nên chú ý các điểm sau đây:


– Số lượng kali dự định bón trong 1 năm nên tập trung vào vụ cây có nhu cầu kali cao nhất. Ví dụ ruộng trồng khoai lang – lúa mùa tất cả kali nên dành bón cho khoai lang vụ đông xuân. Ruộng trồng 2 vụ một vụ khoai tây, kali nên bón tập trung vào vụ khoai tây.


– Số lượng kali nên ưu tiên cho cây trồng trong vụ đông xuân có nhiệt độ thấp.


– Nếu trồng nhiều vụ, thời gian làm đất giữa các vụ ngắn cần chú ý bón phân kali lót. Ngược lại làm ít vụ, có thời gian đất nghỉ dài, kali chỉ cần bón ít và tập trung vào thời kỳ cây cần nhất ví dụ lúa vào trước trổ, khoai lang vào trước đợt vun cuối cùng.


* Đối với cây lâu năm như cà phê, cao su, cây ăn quả..vv Các loại cây này có rễ ăn sâu khai thác kali ở các tầng đất sâu. Khó có biện pháp kỹ thuật canh tác để đưa kali đến các tầng đất này vì vây cần cung cấp đủ kali cho cây từ lúc trồng. Người ta trộn kali, lân với phân chuồng bón vào hốc lúc đặt cây. Khi cây lớn, kali được bón hàng năm cùng với phân hữu cơ và phân lân vào đầu vụ đông. Bón như vậy giúp cây phát triển rễ, chống được hạn và chống rét.


Kali cũng thường được phun lên lá kết hợp với lân, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng.

Nguồn: Admin