Hướng dẫn cách trồng bonsai đẹp từ rễ đến ngọn


Thú vui chơi cây cảnh bonsai từ lâu đã du nhập vào Việt Nam và được rất nhiều người yêu thích. Những chậu cây cảnh với hình dáng đa dạng luôn khiến lòng người ‘xao xuyến’. Do vậy, hãy học ngay cách trồng cây bonsai, học từ cách gieo hạt đến việc chiết, giâm và ghép cành, rễ bonsai để tự tạo cho mình những chậu cây cảnh đẹp tuyệt vời bạn nhé.

Với các hướng dẫn dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tự trồng cây bonsai đẹp từ rễ, gốc, thân, cành cho đến ngọn để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Chuẩn bị dụng cụ

1. Cách gieo hạt đối với cây hoa và cây ra quả

Để gieo hạt trồng cây bonsai, bạn cần thực hiện theo các bước sau:

– Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 30 – 40 độ C để kích thích hạt đâm chồi nảy lộc. Riêng với những loại hạt có vỏ quá cứng thì bạn cần phải ngâm trong nước 80 độ C nhé.

– Sau khi ngâm, bạn tiến hành gieo hạt vào đất tơi xốp. Lưu ý là phủ thêm bên trên một lớp rơm hoặc trấu để tránh cho đất bị xói mòn để lộ hạt mỗi khi tưới nước, phủ cho đến khi hạt nhú chồi non.

– Thời gian gieo hạt phù hợp nhất là vào mùa xuân, tuy nhiên, bạn cũng có thể gieo vào tất cả các mùa khác nhé.

2. Cách trồng cây bonsai từ giâm cành

Trong nghệ thuật bonsai phần lớn các cây cảnh đều được trồng từ cành giâm, do đó, việc biết cách giâm cành là một lợi thế lớn. Khi cắt cành để giâm, bạn cần giữ lại phần chồi non với vài lá búp và cắt gần với chỗ có mấu thì rễ mới nhanh trổ. Đất giâm cành là loại đất tơi xốp đã được xử lý hết các mầm bệnh và côn trùng.

Khi giâm, bạn cần cắm cành sâu quá nửa và tưới nước nhiều cho ướt đẫm, đồng thời tiến hành che nắng, thậm chí là phun bụi nước thường xuyên trong quá trình giâm thì cành mới nhanh ra rễ và sống lại.

Giâm cành cây mai

3. Cách chiết cành trên không

Nếu giâm cành mà cây không sống được thì bạn có thể thực hiện phương pháp chiết cành trên không. Bằng cách gọt bỏ một lớp vỏ dưới điểm chọn (vùng gọt có kích thước rộng gấp 3 lần đường kính của cành cây)

Sau đó bọc vết cắt bằng hỗn hợp bùn trộn hormone thực vật, phủ bên ngoài là rêu rồi bó chặt bằng nilon hoặc một tấm phim nhựa. Cứ bọc như thế và tưới nước ướt đều sau khoảng 2 tháng thì ở chỗ bọc, cành sẽ bắt đầu đâm rễ và bạn có thể tiến hành cắt cành để trồng.

Sau khi trồng, khi thấy cành cây mọc thêm rễ mới thì bạn cần phải chăm sóc cẩn thận, giữ cây trong bóng râm, đồng thời tưới nước đều đặn để đất luôn ẩm trong khoảng 2 tuần nhé. Phương pháp này tương đối dễ làm và hiệu quả, bạn có thể thực hiện vào mùa xuân, mùa hè hay đầu thu đều được.

Chiết cành trên không

4. Cách chiết rễ đơn giản

Chiết rễ là một kỹ thuật quan trọng khi trồng cây bonsai. Có nhiều cách chiết rễ khác nhau, một trong số đó là nối một cành nào đó vào rễ cây ở gốc ghép. Đối với những cây thiếu rễ lớn hay có quá nhiều rễ nhỏ đâm theo nhiều hướng thì bạn có thể sử dụng kỹ thuật chiết nhiều rễ để kết cấu nó thành một cây bonsai hoàn mỹ.

5. Cách trồng cây bonsai với kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây

Là một kỹ thuật quan trọng, ghép cành xuyên qua thân cây thường được thực hiện để tạo thêm những nhánh cây mới trên cây gốc. Giống như cái tên phức tạp của nó, kỹ thuật này rất khó thực hiện và thường chỉ thành công khi bạn thực sự có tay nghề và có kinh nghiệm. Để ghép cành xuyên qua thân cây, bạn tiến hành theo các bước sau:

– Lựa chọn vị trí ghép, đó là vị trí mà bạn muốn có thêm một nhánh cây để dáng bonsai trở nên hoàn hảo hơn. Mặt khác, chỉ khi vị trí đó không thể áp dụng kỹ thuật ‘tỉa cành ép nhánh’ để có được một nhánh cây như mong muốn thì bạn mới buộc phải sử dụng kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây này nhé. Tiếp nữa là vị trí ghép phải ở nằm ở đoạn thân đủ lớn để khi khoan lỗ xuyên qua thân cây, vết thương sẽ không làm cây chết hay làm chững quá trình phát triển của cây lại.

– Tiếp đến là bạn chọn cành để ghép vào cây. Đó phải là cành nhỏ, dài, mềm để dễ uốn nắn và xuyên qua thân cây đã khoan lỗ. Cành ghép này có thể lấy ở một vị trí khác từ chính cây bonsai bạn muốn ghép hoặc lấy từ một cây khác cùng loài.

– Khi đã chọn được cành ghép phù hợp, bạn bắt đầu khoan một lỗ xuyên qua thân cây bằng một mũi khoan nhỏ để thăm dò trước, sau đó mới khoan rộng dần ra cho đến khi nó đủ rộng để xuyên cành ghép vào. Lưu ý là lỗ khoan này không được rộng quá vì nếu rộng quá thì không những vết thương lâu lành mà gốc cây còn mất nhiều thời gian mới ‘ôm’ sát được cành ghép. Lỗ khoan cũng không được hẹp quá vì khi xuyên cành ghép vào lỗ sẽ dễ làm chết những mầm non khác trên cành.

Có thể bạn quan tâm :   Sen đá móng rồng, đặc tính và cách chăm sóc.

– Sau khi khoan lỗ xong, bạn tuốt hết lá trên cành ghép, tránh chạm tới mắt mầm ở dưới nách lá nhé. Sau đó cẩn thận đút cành ghép vào lỗ khoan, riêng với cành cây mềm thì cố gắng thực hiện công đoạn này bằng cách rút nhánh cây chứ không đẩy để tránh cho việc cành cây bị oằn.

– Để cành ghép phát triển tốt thì không thể bỏ qua công đoạn chăm sóc trong cách trồng cây bonsai này, chẳng hạn như loại bỏ mầm mới nhú ở ‘đầu vào’ lỗ khoan để tập trung dinh dưỡng nuôi sự phát triển của mầm ở ‘đầu ra’.

– Khi cành ghép ở ‘đầu ra’ phát triển to hơn ‘đầu vào’, trên lý thuyết là bạn đã có thể cắt bỏ phần gốc cành ở đầu vào nhưng đừng vội làm như thế nhé vì lúc này, cành cây đầu ra vẫn đang nhận được dinh dưỡng của cả thân cây gốc và cây bố mẹ. Đặc biệt, khi cắt bỏ ‘đầu vào’, bạn nên cắt sao cho vẫn chừa lại một đoạn cành để cành ‘đầu ra’ thích nghi dần với việc mất đi ‘bố mẹ’ và chỉ còn nhận được dinh dưỡng từ thân cây mà nó mới được ghép vào. Sau đó 3 – 4 ngày, bạn có thể cắt bỏ hoàn toàn đoạn cành đã chừa lại rồi dùng bột nhão trám khít lại nhé. Như vậy là bạn đã hoàn thành tất cả các bước của kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây rồi đấy.

Ghép cành xuyên qua thân cây là một kỹ thuật khó trong cách trồng cây bonsai

6. Cách trồng cây bonsai với kỹ thuật ghép rễ

Bên cạnh các kỹ thuật chiết, ghép cành ở trên thì kỹ thuật ghép rễ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp tạo cho cây những bộ rễ tuyệt đẹp. Đối với cây bonsai, rễ không chỉ có chức năng giúp cây đứng vững, giúp cây lấy nước và chất dinh dưỡng từ đất mà còn là một phần giúp tạo thế, tạo dáng nữa. Thường thì người chơi sẽ cố biến bộ rễ cây nổi trên mặt đất trở nên sần sùi, già cỗi để tăng thêm vẻ đẹp ‘cổ thụ’ của cây, đồng thời che giấu khuyết điểm bằng cách sử dụng nhiều rêu, đá và cỏ che chắn.

Kỹ thuật ghép rễ có thể được thực hiện ở bất cứ loại cây bonsai nào, từ cần thăng, gừa, mai chiếu thủy đến sanh, si hay sộp… Miễn là rễ dùng để ghép được lấy từ một cây khác cùng loài với rễ gốc là được.

Kỹ thuật ghép rễ để tạo cho cây bonsai dáng đẹp hoàn hảo trong cách trồng cây bonsai

Để tiến hành ghép rễ, bạn hãy tiến hành các bước sau đây:

– Chọn một cây khác cùng loài, cây nhỏ phù hợp để ghép vào chỗ khiếm khuyết ở bộ rễ của cây gốc.

– Trước khi ghép, bạn phải nhổ cây bonsai ra khỏi chậu, sau đó loại bỏ sạch đất bám trên rễ và tỉa bớt cành lá cho thoáng.

– Tiếp đến là dùng mũi khoan có đường kính bằng với đường kính cây nhỏ để khoan xuyên qua chỗ gốc cây, nơi mà bạn muốn ghép rễ mọc ra từ đó.

– Sau đó nhẹ nhàng nhét đoạn cây con vào lỗ khoan, nhét cho đến khi xuyên hết gốc cây và thừa ra ngoài khoảng 2 – 3 cm. Nhét xong thì bạn dùng dây buộc chặt lại để cố định chỗ ghép nhé.

– Cuối cùng, bạn trét kín khe hở ở hai đầu khoan bằng mác-tít hoặc hỗn hợp mỡ bò trộn ký ninh để tránh cho nước ngấm vào bên trong. Sau đó trồng lại cây bonsai vào chậu rồi tưới nước, lưu ý là bạn nên thay đất và bón phân mới trước khi cho cây vào nhé. Cây mới ghép rễ cần được để nơi khuất gió, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, sau khoảng 1 tháng thì mới chuyển dần ra nắng để cây thích nghi lại từ đầu.

Bằng những hướng dẫn chi tiết về cách trồng cây bonsai trên đây, hy vọng rằng bất cứ người chơi nào cũng có thể tự tạo thế bonsai cho cây cảnh của mình. Nếu chưa thành thạo, bạn có thể tự mày mò để nâng cao tay nghề. Chúc bạn thử nghiệm thành công và có được những tác phẩm bonsai thật hoàn hảo.

Xem thêm