Hướng dẫn cách ghép cành xuyên qua thân cây


Ghép cành xuyên qua thân cây là một kỹ thuật mà những người làm bonsai thực hiện nhằm tạo ra một nhánh cây mới trên cây gốc. Đây là một kỹ thuật tương đối khó và mức độ thành công phụ thuộc rất cao kinh nghiệm của người thực hiện.

Dưới đây là một số bước cơ bản để thực hiện phương pháp tạo tác bonsai, ghép cành độc đáo này.  Để ghép một cành cây mới vào cây bonsai theo phương pháp ghép xuyên thân, việc đầu tiên là bạn chọn lựa vị trí trên cây bonsai mà bạn muốn sẽ có một cành cây mới mọc ra ở đó. Lưu ý là vị trí mà bạn chọn phải là vị trí “độc” mà bạn chắc chắn rằng nếu áp dụng phương pháp “tỉa cành ép nhánh” thì cũng không có được một cành cây mới như ý muốn.

Hơn thế, bạn cũng phải nghĩ đến việc tiếp theo là sẽ phải khoan một lỗ xuyên qua thân cây bonsai, do đó vị trí được chọn phải nằm trên đoạn thân đủ lớn để vết thương không làm cây gốc chết hoặc bị chột (chững lại không phát triển), chưa nói đến việc liền vết khoan và phụ nuôi cành mới ghép.

1. Chuẩn bị

  • Máy khoan
  • Mũi khoan, chọn vừa độ lớn của nhánh
  • Keo 502
  • Kéo
  • Dây ni lông

Cành để ghép xuyên thân: bạn nên chọn cành cây nhỏ, vừa dài, vừa mềm để uốn được và có thể xỏ xuyên qua thân cây.


Cành này có thể lấy ngay từ cây bonsai mà bạn đang chuẩn bị khoan lỗ, hoặc từ một cây khác trồng chung trong một chậu (dĩ nhiên là hai cây phải cùng loài với nhau).

2. Cách ghép cành xuyên thân cây bonsai

– Lựa chọn vị trí ghép cành, đó là vị trí mà bạn muốn có thêm một nhánh cây để dáng bonsai trở nên hoàn hảo hơn. Mặt khác, chỉ khi vị trí đó không thể áp dụng kỹ thuật ‘tỉa cành ép nhánh’ để có được một nhánh cây như mong muốn thì bạn mới buộc phải sử dụng kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây này nhé. Tiếp nữa là vị trí ghép phải ở nằm ở đoạn thân đủ lớn để khi khoan lỗ xuyên qua thân cây, vết thương sẽ không làm cây chết hay làm chững quá trình phát triển của cây lại.

– Tiếp đến là bạn chọn cành để ghép vào cây. Đó phải là cành nhỏ, dài, mềm để dễ uốn nắn và xuyên qua thân cây đã khoan lỗ. Cành ghép này có thể lấy ở một vị trí khác từ chính cây bonsai bạn muốn ghép hoặc lấy từ một cây khác cùng loài.

– Khi đã chọn được cành ghép phù hợp, bạn bắt đầu khoan một lỗ xuyên qua thân cây bằng một mũi khoan nhỏ để thăm dò trước, sau đó mới khoan rộng dần ra cho đến khi nó đủ rộng để xuyên cành ghép vào.

Ngoài ra, bạn nên khoan lỗ bắt đầu từ mặt sau của thân cây, nơi nằm ngoài tầm mắt của người nhìn để ‘che giấu’ vết sẹo mờ về sau. Và tốt hơn hết là bạn nên khoan khéo sao cho đầu lỗ khoan thấp hơn cuối lỗ khoan vì nếu như thế, cành cây sẽ mọc hướng lên và tiếp tục mọc thêm ngọn, đồng thời phía đầu kia sẽ đâm chồi phát triển mạnh mẽ.

– Sau khi khoan lỗ xong, bạn tuốt hết lá trên cành ghép, tránh chạm tới mắt mầm ở dưới nách lá nhé.

Có thể bạn quan tâm :   Đất trồng trong chậu và cách cải thiện đất cho cây trong nhà

Sau đó cẩn thận đút cành ghép vào lỗ khoan, riêng với cành cây mềm thì cố gắng thực hiện công đoạn này bằng cách rút nhánh cây chứ không đẩy để tránh cho việc cành cây bị oằn..

Bạn đút cho đến khi thấy mắt mầm đầu tiên trên cành nằm cách lỗ khoan một khoảng ngắn để đảm bảo lóng cây đầu tiên tạo thành sau khi ghép là lóng ngắn (đẹp hơn lóng dài).

Mặt khác, sau khi đã đút cành vào đúng vị trí cần thiết, bạn dùng một miếng gỗ mỏng và nhỏ chèn vào lỗ khoan dọc theo cành ghép để chêm cho chắc chắn và để ghép cành nhanh chóng hòa nhập với thân cây. Cuối cùng thì dùng một ít bột nhão để trám lại vết khoan, hoặc sử dụng keo 502 nhỏ vào 2 mât lỗ khoan, để nhạn chế nước ngắm vào (H11). Buột dây ni lông cố định lại (H12).

– Để cành ghép phát triển tốt thì không thể bỏ qua công đoạn chăm sóc trong cách trồng cây bonsai này, chẳng hạn như loại bỏ mầm mới nhú ở ‘đầu vào’ lỗ khoan để tập trung dinh dưỡng nuôi sự phát triển của mầm ở ‘đầu ra’. Mặt khác, bạn không nên tỉa nhánh ghép để thúc đẩy quá trình cành dày lên.

Khi cành dày lên đến một độ nhất định thì bắt đầu hòa nhập và gắn kết cùng với thân cây gốc. Từ đó trở đi, cành ghép sẽ trực tiếp nhận được sự nuôi dưỡng của thân cây, phát triển nhanh hơn ở phía ‘đầu vào’ và tăng trưởng đường kính một cách rõ rệt.

– Khi cành ghép ở ‘đầu ra’ phát triển to hơn ‘đầu vào’, trên lý thuyết là bạn đã có thể cắt bỏ phần gốc cành ở đầu vào nhưng đừng vội làm như thế nhé vì lúc này, cành cây đầu ra vẫn đang nhận được dinh dưỡng của cả thân cây gốc và cây bố mẹ.

Đặc biệt, khi cắt bỏ ‘đầu vào’, bạn nên cắt sao cho vẫn chừa lại một đoạn cành để cành ‘đầu ra’ thích nghi dần với việc mất đi ‘bố mẹ’ và chỉ còn nhận được dinh dưỡng từ thân cây mà nó mới được ghép cành vào.

Sau đó 3 – 4 ngày, bạn có thể cắt bỏ hoàn toàn đoạn cành đã chừa lại rồi dùng bột nhão trám khít lại nhé. Như vậy là bạn đã hoàn thành tất cả các bước của kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây rồi đấy.

Hoàn tất cành ghép xuyên thân

3. Chú ý

Lỗ khoan không được rộng quá vì nếu rộng quá thì không những vết thương lâu lành mà gốc cây còn mất nhiều thời gian mới ‘ôm’ sát được cành ghép.

Lỗ khoan cũng không được hẹp quá vì khi xuyên cành ghép vào lỗ sẽ dễ làm chết những mầm non khác trên cành.

4. Những sai lầm

Vì là một kỹ thuật khó nên việc cấy ghép cành xuyên thân cây rất dễ gặp thất bại bởi nhiều lý do. Phổ biến nhất là do người ghép thiếu kiên nhẫn, không thể chờ được cho đến khi cành ghép thực sự hòa nhập vào thân cây gốc.

Hay do người ghép quá nóng vội trong quá trình thực hiện, tiến hành cắt bỏ ‘đầu vào’ của cành ghép quá sớm khiến nó không thích nghi kịp với việc chỉ được tiếp nhận dinh dưỡng từ thân cây gốc.

Xem thêm