Hoa phi yến giữ được màu và tươi rất lâu, trong khoảng 3 tới 4 tuần sau khi hái và được gieo trồng phổ biến từ hạt giống vào mùa xuân hoặc mùa thu khi đất ẩm và ấm. Chúng cần được bảo vệ chồi non khỏi sên vào mùa xuân, cắm cọc và cho ăn nhiều để cây phát triển. Nếu cắt cành sau khi ra hoa, bạn có thể được thưởng đợt hoa thứ hai vào tháng 9. Dưới đây cách trồng và chăm sóc hoa phi yến từ hạt giống đạt tỷ lệ thành công cao.
Chú ý: Tất cả các bộ phận của cây đều có chứa một chất có tên gọi Alkaloid delphinine gây ra nôn mửa nếu ăn một lượng nhỏ, có thể dẫn đến tử vong nếu ăn nhầm với số lượng lớn. Vì vậy, hãy đặc biệt chú ý khi trồng.
Điều kiện sinh trưởng cây hoa phi yến
- Trồng phi yến trong đất ẩm nhưng thoát nước tốt dưới ánh nắng mặt trời đầy đủ.
- Tránh những nơi có gió mạnh, vì gió có thể thổi bay cây.
- Phi yến gặp khó khăn trong đất mùa đông ẩm ướt. Vì vậy hãy hỗ trợ thoát nước bằng cách thêm đá vào hố trồng nếu đất của bạn là đất thịt, đất chắc.
- Bảo vệ chồi non khỏi sên vào mùa xuân và đóng cọc ngay khi chúng bắt đầu phát triển.
- Bón phân hàng tuần với một lượng phân kali cao.
- Sau khi ra hoa, cắt cành để khuyến khích đợt hoa nở thứ hai.
- Phủ lớp phủ trên gốc vào mùa thu bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân trộn ủ hữu cơ.
Cách trồng hoa phi yến từ hạt giống
Khi gieo hạt, hoa phi yến phải trải qua thời gian lạnh trước khi nảy mầm để đảm bảo hạt đủ điều kiện phát triển và tỷ lệ thành công cao. Có thể trồng phi yến vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng tốt nhất là mùa xuân hoặc mùa thu vì đất sẽ ấm và ẩm. Gieo từ tháng 2-6 hoặc vào tháng 9-10. Và đây là cách thực hiện:
– Bước 1: Làm lạnh hạt giống
Trước khi gieo, đem chà hạt cho vỏ mỏng bớt rồi ngâm nước lã ấm tay 6 – 7 tiếng. Sau đó đem rửa sạch rồi bọc lại bằng vải bỏ vào tủ lạnh xử lý (hoặc cho vào túi zip và thêm một ít đá trân châu ẩm để cung cấp độ ẩm). Ngày hôm sau lại đem rửa lại và xử lý tiếp gọi là xử lý lạnh. Xử lý khoảng 5 – 7 lần như vậy trước khi gieo hạt 2 tuần là có thể đem gieo.
Hoặc bạn cũng có thể ủ vào nhiều lần vải rồi phủ rơm rạ dày, làm liên tục 5 – 7 ngày. Hạt nứt nanh thì đem gieo.
– Bước 2: Gieo hạt
Gieo hạt cẩn thận vào chậu đất ươm với độ sâu khoảng 0.3 cm, phủ một lớp rơm rạ rồi tưới đẫm. Sau khi nảy mầm, cây con trong chậu có hai bộ lá thật thì nhổ đem trồng. Chúng có thể được chuyển vào vườn hoặc chậu chứa cố định.
– Bước 3: Trồng cây con
Dùng bút chì hoặc đầu đũa để chọc lỗ trồng cây con và thêm phân trộn hoặc phân chuồng hoai mục vào hố để tăng dinh dưỡng. Hãy thêm sỏi đá nếu đất trồng là đất thịt, đất chắc để hỗ trợ thoát nước. Trồng cây phi yến ở cùng độ sâu mà nó đang phát triển trong chậu, và lấp đất lại. Tưới nước làm ẩm đất. Trồng cách nhau từ 25-30 cm để hệ thống rễ đủ chỗ phát triển.
– Bước 4: Chăm sóc
Bón phân lỏng vài tuần một lần khi những chồi đầu tiên xuất hiện để khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ.
Mùa xuân cũng là thời điểm tốt nhất để đóng cọc bằng gậy hoặc sử dụng khung để cây có thể lớn lên. Phi yến phát triển mạnh ở nhiệt độ mát, với đất hơi ẩm vào mùa hè; vì vậy hãy đảm bảo cây không bị khô trong thời tiết nóng.
Mặc dù phi yến có mùa hoa tương đối ngắn, nhưng việc cắt cành hoa trở lại ngay khi chúng vừa tàn có thể khuyến khích cây ra một vài bông hoa vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9.
Mẹo để hoa phi yến nở đúng dịp Tết
Gieo giữa tháng 9 âm lịch, trồng cuối tháng 9, cuối tháng 11 cây bắt đầu vươn ngọn và ra hoa kịp Tết. Nếu thấy nắng ấm mà cây vươn sớm, cần bấm ngọn cho lên ngọn khác. Nếu chậm thì thúc phân mạnh hơn.
Xem thêm